--> --> --> -->
iThethao.vn - Trang tin Thể Thao hàng đầu Việt Nam

Bấm "Xem ngay" để mở và xem video bóng đá!


Gửi bài back-to-top
Thể thao khác

Vụ án ‘người không chân’ Pistorius giết bạn gái: 4 phát súng ngày Valentine, từ đường đua Olympic đến nhà tù

Chủ nhật, 24/12/2023 23:33 (GMT+7)

Tại London năm 2012, hình ảnh VĐV khuyết tật Oscar Pistorius với đôi chân nhân tạo bước vào cuộc đua với những VĐV bình thường tại Olympic thật sự làm lay động trái tim của hàng triệu người trên thế giới. Nhưng chỉ chưa đầy 12 tháng sau, người hùng không chân ấy lại gây sốc cho cả thế giới khi bắn chết bạn gái ngay tại nhà riêng vào đúng lễ tình nhân. Một câu chuyện còn bi kịch hơn cả những tác phẩm của William Shakespeare.

-->

Oscar Pistorius từng là một người hùng của thể thao Nam Phi, một huyền thoại bất tử cho ý chí không đầu hàng nghịch cảnh của con người. Sinh năm 1986 tại Johanesbourg, cậu bé Oscar phải cắt cụt cả hai chân đến tận đầu gối từ khi mới 11 tháng tuổi do một dị tật bẩm sinh.

Tuy nhiên, sự thiệt thòi về mặt thể chất không thể ngăn được lòng đam mê thể thao của Pistorius. Khi còn đi học, cậu đã chơi rất nhiều môn, từ bóng bầu dục, bóng nước, quần vợt cho đến vật. Đến năm 2004, Pistorius bắt đầu tập luyện để trở thành một VĐV chạy tốc độ. Kể từ đó, cặp chân giả làm bằng sợi carbon đã trở thành người bạn đồng hành của Pistorius.

Vụ án ‘người không chân’ Pistorius giết bạn gái: 4 phát súng ngày Valentine, từ đường đua Olympic đến nhà tù - Ảnh 1
Pistorius phải cắt cụt cả hai chân đến tận đầu gối từ khi mới 11 tháng tuổi

Càng nhận thấy sự thiếu hụt cơ thể của mình thì Pistorius lại càng quyết tâm luyện tập để hoàn thiện mình, vượt lên trên số phận nghiệt ngã và anh đã đến được đường đua lớn nhất thế giới.

Với nỗ lực vượt khó không ngừng, Oscar Pistorius đã lọt vào đội tuyển điền kinh Nam Phi góp mặt ở 3 kỳ Paralympic liên tiếp. Từ năm 2004 đến năm 2012, VĐV được mệnh danh người không chân nhanh nhất hành tinh này giành tới 6 tấm HCV, đồng thời giữ các kỷ lục ở những nội dung chạy 100m, 200m, 400m dành cho VĐV khuyết tật. Một quan chức của Liên đoàn điền kinh thế giới đã ví von: “Nếu coi Usain Bolt là một siêu nhân tại Thế vận hội, thì Oscar chính là siêu nhân ở đấu trường Paralympic”.

Song, Oscar Pistorius không muốn chỉ được nhớ tới là một VĐV khuyết tật, anh còn muốn vào lịch sử với việc tranh tài chính thức ở Olympic, giải đấu đỉnh cao nhất dành cho các VĐV bình thường trên thế giới. Anh muốn chứng minh rằng mình tàn nhưng không phế, rằng đôi chân giả không phải là rào cản cho ước mơ chinh phục đỉnh cao của Pistorius.

Còn nhớ năm 2008, khi Olympic được tổ chức tại Trung Quốc, Pistorius đăng ký thi đấu với những VĐV bình thường khác nhưng anh lập tức bị gạt khỏi danh sách. Bởi đơn giản, anh là VĐV không bình thường, một người khuyết tật. Thời điểm đó, không ai nghĩ Pistorius có đủ khả năng tham gia thi đấu với những người bình thường. Liên đoàn điền kinh quốc tế (IAAF) cũng cho rằng đôi chân giả giúp anh tiết kiệm được nhiều năng lượng so với các VĐV bình thường.

Vì chuyện này, Oscar Pistorius đã quyết định khiếu nại. Và dù tòa án Trọng tài thể thao quốc tế sau đó đã xử thắng cho Pistorius, nhưng việc mất quá nhiều thời gian vào vụ lùm xùm này đã khiến anh không đạt được thành tích đủ tốt để giành vé chính thức đến Bắc Kinh. Những khó khăn đã không làm Pistorius lùi bước, khi anh luôn mang trong mình khát vọng lớn lao là hiện thực hóa giấc mơ được thi đấu tại Olympic cùng với những VĐV bình thường khác.

Vụ án ‘người không chân’ Pistorius giết bạn gái: 4 phát súng ngày Valentine, từ đường đua Olympic đến nhà tù - Ảnh 2
Pistorius giành vé dự Olympic London 2012 cùng các VĐV bình thường

3 năm sau đó, câu chuyện đã hoàn toàn khác. Liên đoàn điền kinh quốc tế chính thức cho phép Pistorius thi đấu tại giải Vô địch thế giới tổ chức năm 2011, một sự thừa nhận rằng Oscar Pistorius phải được đối xử như bất kỳ VĐV bình thường nào. Thừa thắng xông lên, chân chạy người Nam Phi vượt qua thành tích chuẩn A để đường hoàng giành vé dự Olympic London 2012.

Mùa hè năm 2012 sẽ là cái mốc đáng nhớ nhất trong cuộc đời Oscar Pistorius cũng như của người hâm mộ thể thao. Với đôi chân giả làm bằng vật liệu các bon giống như hai lưỡi dao, Pistorius xuất phát ở đường đua chạy cự ly 400 mét rồi 4 x 400 tại Thế vận hội bên cạnh những người đồng nghiệp lành lặn.

Tuy không đạt thành tích huy chương, nhưng anh đã vượt lên trên nhiều VĐV bình thường khác. Điều quan trọng hơn, giấc mơ của Người không chân Nam Phi đã trở thành hiện thực. Ngay trong năm đó, Pistorius được tạp chí The Times của Mỹ đưa vào danh sách 100 nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới. đồng thời ca ngợi anh chính là hiện thân cho khát vọng thế giới.

Nhưng chỉ 7 tháng sau đó, đúng vào ngày lễ Tình yêu 2013, tấm gương đó đã tan vỡ trước hàng triệu người ngưỡng mộ anh. Trong cái đêm 14/2 đinh mệnh đó, Pistorius đã nổ súng bắn 4 viên đạn tại nhà riêng của anh, giết chết cô bạn gái, người mẫu Reeva Steenkamp 29 tuổi. Ban đầu, Pistorius khai đã nổ súng vì nhầm tưởng bạn gái là kẻ trộm. Nhưng các nhà điều tra và toà án khẳng định anh đã cố ý giết người.

Càng khó tin hơn bởi Pistorius và Reeva đang có một cuộc tình đẹp như mơ, và họ còn được đem ra so sánh với cặp David Beckham - Victoria nổi tiếng của nước Anh. Pistorius hiện thân cho nghị lực và lòng quả cảm, còn Reeva là biểu tượng của phong cách trẻ. Cặp đôi trai tài, gái sắc này luôn là tâm điểm của giới truyền thông tại bất cứ nơi đâu mà họ xuất hiện.

Vụ án ‘người không chân’ Pistorius giết bạn gái: 4 phát súng ngày Valentine, từ đường đua Olympic đến nhà tù - Ảnh 3
Pistorius khiến cả thế giới chấn động khi sát hại bạn gái đúng vào ngày lễ tình nhân

Trước khi Reeva qua đời, cô đang chuẩn bị hoàn thành một bài phát biểu để ủng hộ cho chiến dịch Ngày thứ Sáu đen tối tại một trường học, nâng cao nhận thức của thiếu niên về hiểm họa hiếp dâm và giết người tại Nam Phi. Cô rất muốn dùng bài phát biểu này để tưởng niệm Anene Booyson, một cô gái mới 17 tuổi mà mới nửa tháng trước bị phát hiện hiếp dâm và giết chết rất dã man. Nhưng lời tưởng niệm chưa kịp lên môi, Nam Phi đã lại phải tiễn biệt người phụ nữ nhân ái ấy.

Thật trớ trêu khi trong lúc Reeva vĩnh viễn ra đi, Pistorius đã phải mặc áo trùm đầu rời nhà trong sự hộ tống của cảnh sát. Những hình ảnh quen thuộc của anh trong các điều trần sau đó là cúi gằm mặt trước những ánh đèn flash của truyền thông.

Báo chí quốc tế lại đổ xô đến với Pistorius như trước đó 1 năm. Nhưng thay vì các câu chuyện cảm động về nghị lực phi thường, họ lại mổ xẻ tất cả những góc khuất chưa từng biết đến của một người hùng thể thao. Nào là Oscar Pitorius tính tình hung hãn, từng có chuyện với hàng xóm và bị kiện ra toà; rồi người ta lại phát hiện ra một Pistorius còn là một tay sát gái.

Sau gần 2 năm với rất nhiều phiên tòa xét xử, vụ án ly kỳ về huyền thoại không chân Oscar Pitorius cũng đi đến hồi kết. VĐV người Nam Phi phải bóc lịch tới 13 năm và 5 tháng vì tội giết bạn gái. Sự nghiệp của Pistorius đã chấm dứt, cũng như hình ảnh một thần tượng thể thao đã sụp đổ. Oscar Pistorius ngã ngựa theo cái cách chẳng ai ngờ đến nhất, khiến làng thể thao người khuyết tật phải tiếp tục đứng lên mà không có anh.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá