--> --> --> -->
iThethao.vn - Trang tin Thể Thao hàng đầu Việt Nam

Bấm "Xem ngay" để mở và xem video bóng đá!


Gửi bài back-to-top
Bida

'Thủ phạm' phá hỏng quan hệ WPA - Matchroom và bí ẩn sau vụ bán thương hiệu Nineball

Thứ năm, 26/10/2023 21:51 (GMT+7)

Trước khi trao lại vị trí chủ tịch WPA cho Ishaun Singh, Ian Anderson đã "góp phần" khiến mối quan hệ giữa WPA và Matchroom, tạo nên hệ lụy đáng buồn cho làng billiard thế giới như thời điểm hiện tại

-->

Tại sao Matchroom từ chối “trả WPA lệ phí cấp phép”, khoảng 3% tiền giải thưởng dù họ đã làm việc này trong quá khứ?

Ian Anderson chính là câu trả lời. Trước Ishaun Singh, Ian Anderson là chủ tịch trong hơn 3 thập kỷ của WPA. Là hơn 30 năm, nói vậy là đủ hiểu được sự độc tài chuyên quyền trong cách điều hành của cựu VĐV snooker người Australia này.

'Thủ phạm' phá hỏng quan hệ WPA - Matchroom và bí ẩn sau vụ bán thương hiệu Nineball - Ảnh 1
Ian Anderson là nguyên nhân khiến mối quan hệ giữa WPA và Matchroom đổ vỡ

Theo nguồn tin của Billiard Ithethao, vào năm 2020, tức một năm sau khi trao quyền tổ chức World Pool Championship cho Matchroom, Ian Anderson - người đứng đầu WPA bấy giờ, có một cuộc thương thảo “kỳ quặc” nhất lịch sử ngành thể thao với Barry Hearn – nhà sáng lập, chủ tịch của Matchroom. Theo đó, ngoài trao quyền tổ chức “Vô địch 9 bi Thế giới” cho Matchroom, thì Ian Anderson đồng ý “bán đứt thương hiệu Nineball cho Matchroom”. Đây chính là gốc rễ, là lý do sâu xa cho sự chia rẽ giữa WPA và Matchroom.

Con số theo tìm hiểu Matchroom đã trả cho WPA là: … 2 TRIỆU USD Như vậy, có nghĩa là Ian Anderson – thay mặt đại hội đồng WPA – đã bán đi thương hiệu một bộ môn (discipline) và cho phép một promoter như Matchroom được “độc quyền kinh doanh thương hiệu”.

Về phía Matchroom, logic của họ là dễ hiểu và không hề sai khi đứng ở cương vị bên mua. Vì Matchroom đã tốn một khoản tiền khổng lồ cho Anderson, họ không có lý do gì để trả khoản “phí cấp phép” theo thông lệ.

Nhưng quyết định này của Anderson đã vô tình tạo ra cơ chế “độc quyền” cho một nhà phát hành chương trình, ở một bộ môn mà vốn dĩ “sự độc quyền là rất không nên tồn tại”. Pool vừa là môn thể thao cá nhân, lại là môn thể thao có rất nhiều thể loại chơi khác nhau. Tách Nineball khỏi cấu trúc thể thao liên đoàn, cũng có nghĩa là Anderson tạo ra tiền lệ, cho phép các promoter khác “thực hiện những cuộc ly khai tiềm ẩn”.

Hãy lấy ví dụ như này cho dễ hiểu: Nếu Predator Pro Series – nhà phát hành phát triển 8 bi và 10 bi – không công nhận All Japan, giải pool 10 bi có tuổi đời hơn 100 năm thì chuyện gì sẽ xảy ra? Hoặc Joy Heyball ra lệnh cấm VĐV tham dự CBSA-Xingpai (cùng nội dung Chinese Pool)? Pool, một môn thể thao vốn đã có sự phân hoá khủng khiếp về luật chơi, sẽ đứng trước nguy cơ bị cấu xé, tồn tại quá nhiều hệ thống xếp hạng.

Hệ lụy này đã xảy ra với chính Nineball, khi Qatar Open tổ chức nội dung 9 bi nhưng giải đấu này không được xếp hạng WNT của Matchroom, lại mang tiếng xấu với cộng đồng người hâm mộ Pool, những người cho rằng Qatar Open “dây máu ăn phần”, “kém miếng nên khó chịu”.

Trở lại với Anderson, sau khi nhận 2 triệu USD, không rõ Ian Anderson sử dụng số tiền này như thế nào. Chỉ biết rằng, nhân vật này đã để lại một mớ hỗn độn. Cùng với việc bổ nhiệm Ishaun Singh, cựu Tổng thư ký kiêm Giám đốc thể thao WPA lên kế nhiệm, Anderson tiếp tục… leo cao, nắm chức phó chủ tịch WCBS – Liên đoàn tổng hợp các bộ môn billiard & snooker thế giới, cơ quan quản lý trực tiếp của WPA.

Quyết định độc đoán, liều lĩnh và kỳ quặc của Anderson trực tiếp tạo cơ chế xấu cho pool: Giao quá nhiều quyền hạn cho một promoter, đánh mất mối quan hệ với promoter, đánh mất hình ảnh và vị thế của tổ chức quản lý cấp thế giới, và cuối cùng đẩy VĐV vào ngã ba đường.

'Thủ phạm' phá hỏng quan hệ WPA - Matchroom và bí ẩn sau vụ bán thương hiệu Nineball - Ảnh 2
Quyết định độc đoán của Ian Anderson cùng "bí ẩn" về khoản tiền 2 triệu USD khiến làng pool rối ren

“Cấu trúc Olympic” là khái niệm đặc biệt quan trọng, là kim chỉ nam tồn tại xuyên suốt ngành thể thao. Cấu trúc này có thể không cần thiết tại các quốc gia phát triển, các quốc gia có nền thể thao xã hội hoá sâu rộng như Mỹ nhưng là cứu cánh, là nồi cơm của những nền thể thao non trẻ cần sự đầu tư của nhà nước.. Cấu trúc này cũng có thể không phù hợp với những môn thể thao mà xuất phát điểm của VĐV là rất cao như golf hay quần vợt nhưng là “nồi cơm”, là “miếng cơm manh áo” của rất nhiều VĐV billiard, những VĐV thường có xuất phát điểm khiêm tốn.

Billiard Ithethao xin phép kể một ví dụ về “tầm quan trọng của lương nhà nước” với billiard Việt Nam: Tay cơ Thế Hiển, biệt danh “Hiển dần” gần như đã từ bỏ sự nghiệp billiard nhà nghề, nhưng tháng 6-7 hàng năm vẫn xuất hiện ở vòng 2 giải VĐQG và cố gắng lọt vào Top 16 chung cuộc để đủ điều kiện giữ lương nhà nước. 10, 12 triệu có thể không là gì với người này, nhưng là khoản tiền cấp thiết với người khác.

Cuối cùng, lựa chọn bán đứt thương hiệu Nineball của Anderson là quyết định đẩy thế giới pool vào trạng thái hỗn loạn, và buộc VĐV phải “chọn phe”. Nếu đây là kết quả cuối cùng vào ngày 1/3, thì đây là kết cục đáng buồn của một bộ môn đang hồi sinh từ cõi chết, trên đà phát triển mạnh mẽ. VĐV, là những người gánh hậu quả sau cùng.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá