iThethao.vn - Trang tin Thể Thao hàng đầu Việt Nam

Quách Thị Lan, vinh quang luôn chờ người... đến sau

Thứ bảy, 31/07/2021 07:00 (GMT+7)

Tất cả các VĐV Việt Nam đã hoàn thành phần thi của mình ở Olympic, ngoại trừ Quách Thị Lan. Chân chạy 26 tuổi từ lâu đã quen với phong thái 'đến sau' đó. Lan tập điền kinh muộn, thi đấu muộn, nhận huy chương muộn và đến Thế vận hội muộn hơn phần lớn các đồng nghiệp.

Tấm huy chương vàng muộn màng

Ở ASIAD 2018, Quách Thị Lan chuyển từ nội dung 400m sang 400m rào với hy vọng đổi màu tấm huy chương. Nhưng một lần nữa, Kemi Adekoya trở thành vật cản ngăn Lan đến với tấm huy chương vàng Á vận hội. Ở thời điểm không còn giữ phong độ đỉnh cao nữa, VĐV Bahrain tìm đến doping. Lan về nhì với khoảng cách nhiều hơn gần 1 giây so với Adekoya.

>>> Lịch thi đấu Olympic Tokyo 2021

Quách Thị Lan, vinh quang luôn chờ người... đến sau - Ảnh 1
Quách Thị Lan là bông hoa nở muộn của điền kinh Việt Nam. (Ảnh: Getty Images)

Không giành được huy chương vàng, nhưng tấm huy chương bạc của Quách Thị Lan khi ấy được xem như quý hơn vàng. Trước một đối thủ nhập tích gốc Phi, người đã khẳng định đẳng cấp ở tầm thế giới, Lan vẫn thi đấu không hề kém cạnh và chỉ chịu thua trong thoáng chốc. Ký ức về kỳ ASIAD năm ấy sẽ đẹp như thế nếu như Lan không... bất ngờ trở thành nhà vô địch.

"Quách Thị Lan mang về huy chương vàng thứ 5 cho đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018". Tin vui đó đến với Lan và đội tuyển điền kinh vào tháng 7/2019, gần một năm sau khi Á vận hội khép lại. Giống tình cảnh của đô cử Trần Lê Quốc Toàn, người bất ngờ nhận huy chương Olympic sau 8 năm tranh tài, Quách Thị Lan rơi vào thế dở khóc dở cười.

Từ vị trí giành huy chương bạc, Lan được đôn lên nhận huy chương vàng vì người về nhất Kemi Adekoya dương tính với doping. Thông tin Kemi Adekoya, VĐV người Bahrain gốc Nigeria, lộ ra ngay đầu tháng 1/2019, nhưng phải đến tháng 7 mới có quyết định chính thức. Trong 6 tháng đó gần như biết chắc mình sẽ trở thành nhà vô địch châu Á, Lan chờ càng lâu càng cảm thấy thiếu hào hứng.

Quách Thị Lan, vinh quang luôn chờ người... đến sau - Ảnh 2
Nhà vô địch châu Á phải mất 1 năm để chính thức nhận HCV ASIAD. (Ảnh: Getty Images)

"Giá như tôi có thể sớm giành huy chương vàng ngay tại thời điểm ASIAD diễn ra. Nếu thế mọi thứ sẽ tốt hơn nhiều", Quách Thị Lan chia sẻ. Cô xứng đáng được ghi nhận nhiều hơn với từ cách nhà vô địch châu Á, dù vậy, mọi thứ đều không như ý muốn với một tấm huy chương vàng đến muộn. Lan buồn, bởi lẽ ra cô đã nhận được nhiều vinh quang hơn nhờ công trạng của mình.

Giá trị của VĐV điền kinh

Việc Quách Thị Lan được đôn lên giành huy chương vàng giúp Việt Nam có đến 2 nhà vô địch ASIAD ở môn điền kinh. Đó là kỳ tích trong lịch sử thể thao Việt Nam, khi trước đó kết quả tốt nhất chúng ta giành được chỉ là huy chương bạc. Với những VĐV như Quách Thị Lan, Bùi Thị Thu Thảo, khoảng cách giữa điền kinh Việt Nam với những nước châu Á khác không còn quá xa nữa.

Như lời Lan từng nói, điền kinh giúp cô và anh trai (VĐV Quách Công Lịch) có thu nhập tốt hơn. Họ không chỉ giúp gia đình trang trải khoản vay xây nhà từ nhiều năm trước, mà còn có của để dành tích lũy cho tương lai. Quách Công Lịch từng nói ngày xưa anh chọn theo nghiệp thể thao vì đó là cách kiếm tiền nhanh nhất, nhưng thực tế không phải VĐV nào cũng có thu nhập đủ tốt.

4 năm trước khi giành huy chương vàng ASIAD, Bùi Thị Thu Thảo từng trốn tập ở đội tuyển điền kinh để xách vữa thuê. Các công trình xây dựng quanh sân Mỹ Đình ngày ấy không lạ gì Thảo, một cô gái có sức làm việc bằng hai người cộng lại. Cô chỉ trở lại tập sau khi được ban huấn luyện động viên, định hướng tương lai. Việt Nam đã suýt mất một nhà vô địch điền kinh châu Á như thế.

Quách Thị Lan, vinh quang luôn chờ người... đến sau - Ảnh 3
Quách Thị Lan là 1 trong 2 VĐV cầm cờ đoàn Việt Nam ở Olympic Tokyo. (Ảnh: Getty Images)

Vận xui của người này là may mắn của người kia. Quách Thị Lan đến với điền kinh muộn hơn nhiều so với Thu Thảo và những VĐV khác. Phải đến năm 16 tuổi, cô mới bắt đầu theo nghiệp chạy nhờ sự giới thiệu của anh trai. Hình thể tốt cùng sải chân dài giúp cô nhanh chóng đạt được thành tích cao ở các giải khu vực, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khác vì đốt cháy giai đoạn đến thành công.

Có thể ví Quách Thị Lan là VĐV điền kinh mang đôi chân pha lê của thể thao Việt Nam. Cứ sau mỗi giải đấu lớn là cô lại gặp chấn thương, bởi chân Lan không được rèn cho cứng cáp từ nhỏ như những đồng nghiệp khác. Không ít lần mọi người chứng kiến Lan gục ngã ngay trên vạch đích ở giải chạy quốc gia, sau đó là nhiều tháng phải ngồi ngoài điều trị dứt điểm chấn thương.

Trước thềm SEA Games 2019, Lan phải chạy đua với thời gian để kịp trở lại tranh tài ở đấu trường khu vực. Tấm huy chương vàng cô giành được cùng đội tuyển điền kinh Việt Nam ở nội dung 4x400m tiếp sức hỗn hợp đồng đội nam nữ thực sự là một cú hích lớn cho toàn đội điền kinh. Phải thi đấu với không ít VĐV nhập tịch từ nước chủ nhà Philippines, các VĐV Việt Nam vẫn chơi cân sức cân tài đối thủ.

Suất dự Olympic Tokyo là một bất ngờ khác dành cho Quách Thị Lan. Ở tuổi 26, cô mới có dịp trải nghiệm một kỳ Thế vận hội trong sự nghiệp. Đây là lần đầu tiên, và cũng có thể là lần cuối cùng của Lan. Cô đã lên kế hoạch lập gia đình, sinh con hậu Olympic. 3 năm nữa, Lan sẽ bước sang tuổi 29 và khó có thể giữ được phong độ đỉnh cao nữa. Đó là lý do giúp cô bước vào đường chạy hôm nay với những phẩm chất tốt nhất mình có, để cháy một lần và mãi mãi.

Xem lại bóng đá |  Keonhacai tv |  bongda tv