Giữa năm 2020, Trịnh Linh Giang từng có ý định bỏ thi đấu tennis để theo học đại học. Tuy nhiên, tình yêu dành cho tennis đã đưa chàng trai quê Hà Nội quay trở lại đường đua, với thành quả là chiến thắng trước Lý Hoàng Nam tại chung kết Lach Tray Cup 2020. Ngay tại khoảnh khắc ấy, Linh Giang đã bật khóc. Đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc khi anh được cháy hết mình cùng đam mê.
Đầu tháng 3 vừa qua, ĐT quần vợt Việt Nam chưa có được kết quả như ý tại vòng play-off thăng hạng Davis Cup trước CH Dominica. Cảm xúc của Giang cũng như các đồng đội ở tuyển như thế nào sau giải đấu này?
Trước khi bước vào giải đấu, mọi người trong đội tuyển đều đã xác định trước rằng đối thủ của Việt Nam lần này rất mạnh. CH Dominica có 2 tay vợt đang nằm trong top 400 thế giới. Tuy nhiên, khi bước vào giải đấu, tất cả mọi người đều rất lạc quan và luôn thi đấu hết mình.
Mặc dù vậy, vẫn có đôi chút tiếc nuối khi Việt Nam đã có cơ hội giành chiến thắng. Chúng ta chỉ thiếu một chút gì đó để có thể vượt qua đối thủ.
Bạn đánh giá như thế nào về các tay vợt của đội tuyển CH Dominica. Liệu đây có phải cơ hội để chúng ta cọ xát và tiếp thu thêm kinh nghiệm ở đấu trường quốc tế?
Đã rất lâu rồi các tay vợt Việt Nam không được đi thi đấu ở nước ngoài. Thời gian qua, ảnh hưởng của đại dịch là quá lớn, khiến cho việc đi lại trở nên khó khăn. Tuy nhiên, ở giải đấu lần này, dù chạm trán những tay vợt có đẳng cấp cao như vậy nhưng bản thân Giang lại thấy khoảng cách trình độ của mình cũng không quá xa. Mình cần được tham dự nhiều giải hơn và cọ xát nhiều hơn nữa để có thể bắt nhịp một cách nhanh chóng.
Trước đó, trong năm 2021, Giang vừa có một mùa giải tương đối thành công khi giành cú đúp danh hiệu đơn nam và đôi nam ở giải quần vợt vô địch quốc gia được tổ chức tại Bắc Ninh. Đối với Giang, thành tích này có ý nghĩa như thế nào? Liệu bạn có cảm thấy hài lòng không khi giải không có quá nhiều tay vợt mạnh, đáng chú ý nhất là sự vắng mặt của Lý Hoàng Nam?
Sự thật là các giải trong nước bây giờ không có quá nhiều tay vợt mạnh, chỉ có một số tay vợt tài năng và tiệm cận đến top đầu của đội tuyển Việt Nam bây giờ. Trước khi tham gia giải đấu ở Bắc Ninh, Giang cũng đã xác định từ đầu là mình sẽ giành 2 chức vô địch nội dung đơn và đôi nam. Điều này đã nằm trong dự đoán của Giang nên mình cũng không quá bất ngờ.
Trước khi giải vô địch quốc gia diễn ra, quần vợt Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Vậy quãng thời gian quần vợt đóng băng như vậy ảnh hưởng như thế nào đến việc tập luyện cũng như đà phát triển sự nghiệp của Giang?
Trong quãng thời gian từ tháng 5 năm 2021 trở đi, bản thân Giang nói riêng và tất cả các tay vợt khác ở Việt Nam nói chung gần như không thể đi ra nước ngoài thi đấu. Trong khi đó, các giải trong nước cũng đóng băng và tạm hoãn hết. Vì vậy, các tay vợt gần như bị mất hết cảm giác thi đấu. Điều này giống như một bước chững lại của tất cả các tay vợt Việt Nam.
Nếu được lựa chọn, Giang cảm thấy đâu là trận đấu để đời trong sự nghiệp thi đấu của mình từ trước tới nay?
Nhắc đến trận đấu để đời của mình thì chắc có lẽ là trận chung kết Giải quần vợt VTF Masters 500-2 năm 2020 ở Hải Phòng. Khi đó, Giang có dịp đối đầu với Lý Hoàng Nam để tranh chức vô địch.
Ở giải đấu năm đó, tôi vẫn nhớ hình ảnh Giang bật khóc sau khi đánh bại Lý Hoàng Nam. Bạn có thể chia sẻ lại cảm xúc của bản thân lúc đó không? Điều gì khiến Giang xúc động như vậy?
Trước khi giải đấu này diễn ra, mình đã có một quãng thời gian rời xa quần vợt. Mình mới chỉ quay lại tập luyện vào đầu tháng 9, sau đó tham dự giải quốc gia ở TP. HCM vào tháng 10.
Thời điểm đó, mình vẫn thua Nam rất xa. Vì vậy, bản thân Giang cũng khá bất ngờ khi mình có phong độ tốt như thế ở Hải Phòng. Chiến thắng này tất nhiên có cả yếu tố may mắn nữa. Tuy nhiên, đây cũng là sự cố gắng của bản thân nên là mình cảm thấy rất vui. Đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc
Chiến thắng của Giang tại Hải Phòng thời điểm đó giống như một vụ nổ của làng quần vợt Việt Nam. Báo chí và truyền thông nói rất nhiều về trận đấu này. Lúc đó, phản ứng của mọi người xung quanh, đồng đội, gia đình, bạn bè của Giang như thế nào?
Tất cả mọi người đều cảm thấy bất ngờ, nhất là về phong độ của Giang lúc đấy. Mọi người tập luyện với nhau nhiều, gắn bó với nhau lâu năm nên biết hết về nhau rồi.
Mặc dù vậy, ở một trận chung kết như thế, trước rất nhiều khán giả, Giang lại thi đấu gần như với 200% sức lực nên mọi người khá bất ngờ. Tất nhiên cũng có cảm giác vừa vui vừa buồn, vì chiến thắng không thể dành cho cả Giang và Nam được.
Sau chiến thắng này và cả những thành tích sau đó của Giang, cả giới chuyên môn và truyền thông đều có nhận xét rằng bạn đã tiến bộ, thực sự trưởng thành và ngày càng chắc chắn trong lối chơi. Giang suy nghĩ như thế nào về nhận định này. Liệu bạn có cảm nhận được sự thay đổi đó của bản thân hay không?
Từ sau giải đấu đó, tâm lý của mình khi bước ra sân, dù là tập luyện hay là thi đấu đều khác rất nhiều. Mình cảm thấy thoải mái hơn và có nhiều niềm vui với tennis hơn. Khi đấy, mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ và trôi chảy hơn.
Vậy thì trước đó thì sao, Giang có suy nghĩ thế nào khi có nhiều người nhận xét rằng bạn là một tay vợt thực sự cá tính và có cái tôi cao?
Thật ra nhận định này cũng khá đúng. Tennis là một môn thể thao cá nhân nên cá tính của vận động viên là điều rất quan trọng. Nếu ai cũng như ai thì chẳng có gì đáng xem cả.
Vậy tính cách, cá tính của Giang có được thể hiện qua phong cách thi đấu hay không? Nếu để chọn một từ để miêu tả về phong cách thi đấu của mình thì Giang sẽ chọn từ gì?
Nếu chọn một từ để miêu tả phong cách thi đấu của Giang thì đó là “hết mình”. Phong cách thi đấu của Giang trên sân cũng giống với việc mình làm hàng ngày. Nếu không làm thì mình cũng không cần để tâm đến. Tuy nhiên, đã bắt tay vào làm và quyết định theo đuổi nó thì sẽ luôn luôn hết mình.
Vậy tại sao bạn lại quyết định theo đuổi tennis chuyên nghiệp? Cơ duyên nào đã đưa bạn đến với bộ môn này?
Giang cũng khá may mắn khi được gia đình cho tiếp cận với sân tennis từ nhỏ. Lúc đó, mình mới 2 tuổi thôi. Đến khi mình 6,7 tuổi thì đã vác vợt theo bố đi khắp nơi để chơi tennis. Cho đến năm 11, 12 tuổi, mình mới bắt đầu vào đội tuyển quần vợt Hà Nội.
Thực ra mình cũng không xác định thi đấu chuyên nghiệp từ nhỏ. Thời đó, mình chỉ nghĩ rằng đây là một hoạt động thể thao để nâng cao sức khỏe sau giờ học hành. Tuy nhiên, đến năm 15,16 tuổi, mình đã gặp được những người thầy tốt. Vì vậy, mình bắt đầu có ý nghĩ là theo đuổi con đường chuyên nghiệp và cuối cùng đã chọn theo con đường này.
Tennis là một môn thể thao thực sự khắc nghiệt và tốn kém. Vậy khi quyết định đi theo con đường chuyên nghiệp, Giang có nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ gia đình không?
Từ khi mình 15,16 tuổi, mọi quyết định của mình đều được gia đình tôn trọng và ủng hộ hết mình. Đây cũng là một lợi thế của Giang khi bắt đầu bước chân vào con đường chuyên nghiệp
Trước khi đầu quân cho Hải Đăng Tây Ninh, Giang đã khoác áo CLB Becamex Bình Dương. Vì quê ở Hà Nội nên bạn phải tập luyện, thi đấu xa nhà. Giai đoạn đầu, bạn đã gặp phải những khó khăn, thử thách gì?
Trong làng quần vợt, anh em bạn bè dù Bắc hay Nam cũng đều quen nhau từ trước. Vì vậy, việc hòa nhập với môi trường trong miền Nam đối với mình không quá khó khăn. Mọi người cũng luôn giúp đỡ nhau. Ngoài ra, mình cũng quen với việc xa nhà từ nhỏ rồi, vì mình thường xuyên phải đi thi đấu vào những tháng hè. Nhìn chung mọi thứ không quá khó đối với mình.
Với một môn thể thao đặc thù như tennis, các vận động viên thường là có rất ít bạn bè. Đối với Giang thì sao?
Điều này cũng đúng một phần, bởi vì thời gian mình dành cho tennis quá nhiều. Mình tập luyện từ thứ 2 đến thứ 6, có khi phải thi đấu thì tập luôn cả thứ 7, chủ nhật. Mình chỉ biết đến phòng mình ở và sân tennis thôi. Loanh quanh cũng chỉ có những người bạn như thế.
Bản thân Giang cũng may mắn hơn khi có những người bạn từ thời đi học cấp ba ở Hà Nội nữa. Dù sao thì vòng tròn bạn bè của mình cũng khá nhỏ.
Vậy có khi nào Giang cảm thấy chạnh lòng, cô đơn khi phải đánh đổi nhiều như vậy cho môn tennis không? Những lúc như vậy, đâu là động lực giúp Giang có thể bước tiếp để theo đuổi đam mê của mình?
Không đến nỗi quá buồn, vì đây là công việc mình phải làm hằng ngày. Khi đó, mình sẽ tìm ra những thú vui khác để tự vực dậy bản thân và quên đi việc thiếu người thân và bạn bè.
Động lực giúp Giang vượt qua khó khăn là những người xung quanh mình. Họ đều là người tốt và tài giỏi. Vì vậy, để theo kịp được những người như thế, để cuộc sống của mình được như họ thì mình luôn luôn phải tiến lên, không thể nào chững lại và dậm chân tại chỗ được.
Phải xa con trong một thời gian dài như vậy, bố mẹ có bao giờ khuyên Giang bỏ tennis để đi theo con đường khác hay chưa?
Chưa bao giờ. Khi Giang vẫn muốn theo con đường chuyên nghiệp, bố mẹ luôn ủng hộ và sẵn sàng giúp đỡ hết mình
Vậy đối với bản thân Giang thì sao? Đã bao giờ bạn có suy nghĩ đó chưa?
Nhiều lúc tập luyện nhiều nhưng không được đi thi đấu, mình cũng có cảm giác chán nản. Có những lúc Giang đã nghĩ đến việc nghỉ chơi tennis để theo một con đường khác rồi. Tuy nhiên, cho đến cuối cùng, thi đấu tennis chuyên nghiệp vẫn là công việc mà mình thấy bản thân mình làm tốt nhất. Đây vừa là đam mê, lại vừa là công việc để mình kiếm ra tiền trang trải kinh tế. Nói chung, mình không thể nào bỏ tennis được. Mình chỉ nghỉ giải lao một chút rồi trở lại tập luyện.
Trước đây, đã có lần Giang nói muốn nghỉ thi đấu để đi học đại học, nhưng sau đó vẫn có cảm giác nhớ về tennis nên quyết định quay lại. Bạn có thể chia sẻ về câu chuyện này không? Suy nghĩ đó xuất hiện khi nào và tại sao bạn lại có ý định này?
Đó là 3 tháng giữa năm 2020. Lúc đó thiếu giải và mình không được thi đấu nhiều, cả trong nước lẫn quốc tế. Tập luyện chay khoảng 3,4 tháng thì rất nhàm chán nên những suy nghĩ như vậy lại xuất hiện.
Bản thân Giang cũng nghĩ rằng con đường học vấn, đi học đại học sẽ tốt cho tương lai sau này. Đó cũng là một sự lựa chọn tốt. Tuy nhiên, Giang thấy mình vẫn còn khá trẻ, chưa hẳn là đã bước sang bên kia của sườn dốc của sự nghiệp. Vì thế nên mình vẫn sẽ phải cố gắng theo tennis chuyên nghiệp. Khi nào bản thân không thể theo được nữa thì mới nghĩ đến con đường khác.
Vậy nếu đặt ra giả thiết là Giang không đi theo con đường tennis chuyên nghiệp, bạn sẽ chọn học ngành nào và làm công việc gì?
Mình là một người rất dễ thích nghi với môi trường mới nên cũng không quá ngại việc thay đổi công việc mình đang làm hay là sống ở một môi trường hoàn toàn khác. Thế nên việc gì mình cũng có thể làm được. Dù làm gì thì mình cũng luôn phải tận hưởng cuộc sống. Còn nếu không chọn tennis thì có lẽ mình sẽ đi học và kinh doanh một cái gì đó.
Đã bao giờ Giang nghĩ đến lúc mình giải nghệ chưa? Khi đó, bạn sẽ lựa chọn theo con đường nào: trở thành một huấn luyện viên tennis, mở một học viện tennis hay sẽ chọn một công việc không liên quan đến môn này?
Có lẽ huấn luyện viên sẽ không phải là con đường mà Giang lựa chọn. Giang sẽ chọn việc học Đại học và trau dồi kiến thức để có thể giúp mình trong công việc kinh doanh sau này.
Vậy Giang đã có kế hoạch là bạn sẽ nghỉ chơi tennis vào tầm tuổi nào hay chưa, hay bạn sẽ thi đấu theo cảm xúc của mình - tức là chỉ dừng lại khi bạn cảm thấy đủ?
Mình sẽ chơi tennis cho đến khi mình không còn thực sự đam mê nữa. Để nói ở tầm tuổi nào thì cũng khó, vì mình không biết là mình sẽ nghỉ vào lúc nào, một tuần, một tháng hay một năm sau. Thế nên cứ đến đâu thì hay đến đấy.
Giang có suy nghĩ như thế nào về việc có nhiều tay vợt Việt Nam quyết định dừng chơi tennis chuyên nghiệp dù vẫn đang ở độ tuổi đỉnh cao phong độ để lựa chọn con đường khác, như trường hợp của Thuỳ Dung hay Hoàng Thiên?
Để chơi tennis mà thực sự thành công là rất khó. Thành công ở đây hiểu theo nghĩa là vừa thi đấu, vừa trang trải được kinh tế. Bạn phải lọt vào top 100, 200 ATP mới thực sự kiếm ra đồng tiền. Vì vậy, mình thấy tennis chuyên nghiệp vẫn là một cái gì đó khá xa vời với người Việt Nam. Chúng ta cần thêm các nhà tài trợ, những người yêu tennis để đầu tư vào bộ môn này. Bên cạnh đó, Liên đoàn quần vợt Việt Nam cũng phải hỗ trợ rất nhiều mới có nhiều tài năng theo con đường chuyên nghiệp.
Theo Giang, đâu là những nguyên nhân chính khiến quần vợt Việt nam vẫn chưa thể vươn mình ra quốc tế?
Vấn đề lớn nhất có lẽ là kinh tế, bởi vì thi đấu tennis rất tốn kém về mặt tài chính. Ví dụ khi bạn thi đấu một giải nào đó, vấn đề đáng lo nhất là vé máy bay, chi phí ăn ở, đi lại, tiền thuê huấn luyện viên. Đối với Huấn luyện viên, chúng ta cần huấn luyện viên chuyên môn, huấn luyện viên thể lực và cả huấn luyện viên chuyên về hồi phục chấn thương nữa. Nói chung, không ai muốn đầu tư vào một con đường mạo hiểm như thế này. Như Giang đã nói trước đó, chúng ta cần rất nhiều nhà đầu tư, những nhà hảo tâm, những người yêu tennis đầu tư vào thì mới có những nhân tài để tiếp nối sau này.
Một số người lại cho rằng có cả nguyên nhân chủ quan nữa, đó là tennis chuyên nghiệp không dành cho người Việt Nam, bởi chúng ta không có thể chất và chiều cao lý tưởng. Giang có suy nghĩ như thế nào về nhận định này?
Mình nghĩ nhận định này không đúng, bởi vì tùy chiều cao và cân nặng sẽ mang đến những lợi thế khác nhau. Ví dụ như những tay vợt dưới 1m8 có thể sẽ nhanh hơn những người cao. Còn các tay vợt cao sẽ có lợi thế về giao bóng so với những tay vợt thấp hơn. Mình phải biết đánh giá những ưu điểm và khắc phục nhược điểm của mình để thi đấu tốt hơn chứ không thể đổ tại thể chất được.
Hiện tại, Giang đang đang đầu quân cho CLB Hải Đăng. Đối với Giang, Hải Đăng có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp của bạn? Đây có phải là môi trường lý tưởng để các tay vợt phát triển?
Quyết định khi chuyển sang CLB Hải Đăng này đến với mình khá dễ dàng. Bởi vì ở đây có môi trường rất tốt, với cơ sở vật chất và tất cả các trang thiết bị mà một học viện cần có. Hơn thế nữa, người dẫn đầu CLB Hải Đăng là chú Thái Trường Giang có niềm đam mê thực sự với tennis. Vì vậy, mình nghĩ đây là nơi rất tốt để các tay vợt phát triển.
Hiện tại, Hanaka Bắc Ninh đang bắt đầu làm mô hình chuyên nghiệp như thế này, trước đó cũng có Becamex Bình Dương. Chúng ta cần nhiều hơn các CLB như vậy để quần vợt Việt Nam ngày càng phát triển.
Ở CLB và cả đội tuyển quốc gia, Giang chơi thân với ai nhất?
Đã là đồng đội thì mọi người luôn gắn kết và cùng nhau vượt qua mọi khó khăn. Vì vậy, mình thân với tất cả mọi người chứ không phân ra ai nhất hay ai nhì.
Trong bóng đá, khi ở đội tuyển thì một số cầu thủ sẽ là đồng đội của nhau, nhưng khi về CLB, họ lại trở thành đối thủ. Quần vợt cũng như vậy, các bạn đi đấu Davis Cup hay đánh đôi sẽ là đồng đội, còn khi vào các giải đơn lại chiến đấu với nhau một sống một còn. Cảm giác của Giang khác nhau như thế nào ở 2 trường hợp đó?
Đã là đồng đội thì Giang sẽ luôn luôn ủng hộ hết mình. Ở Davis Cup, Giang vẫn luôn cổ vũ, ủng hộ khi đồng đội thi đấu. Tuy nhiên, khi ra các giải cá nhân, đã bước vào sân là bọn mình sẽ trở thành đối thủ của nhau. Vì vậy, mình sẽ thi đấu hết sức, với một sự tôn trọng lớn nhất. Đến khi bước ra khỏi sân, tất cả vẫn là anh em, bạn bè, đồng nghiệp tốt với nhau.
Trong lứa các tay vợt trẻ hiện tại, Giang đánh giá cao cái tên nào nhất?
Cái tên mà Giang đánh giá cao nhất có lẽ là Phạm La Hoàng Anh. Hoàng Anh có tố chất thể thao rất tốt, có lối chơi thông minh và những cú đánh rất mạnh so với lứa tuổi của em ấy hiện giờ.
Trên thế giới, Giang có thần tượng hay yêu thích tay vợt nào không? Nếu có, bạn có bị ảnh hưởng bởi phong cách thi đấu của người đó không?
Không hẳn là thần tượng, nhưng mình thích phong cách thi đấu của Roger Federer và Nick Kyrgios. Cũng một số tính cách trên sân khiến mình bị ảnh hưởng khá nhiều.
Ngoài tennis, Giang còn thích môn thể thao nào khác không?
Giang có thể chơi nhiều môn thể thao khác nhau. Nếu phải chọn môn Giang thích nhất thì đó là bóng đá.
Theo dõi trang facebook của Giang, tôi thấy bạn là một fan bóng đá rất là cuồng nhiệt. Bạn hâm mộ đội bóng nào và cầu thủ nào?
Mình thích Tottenham và Son Heung Min. Ngoài ra, mình thích những đội đối đầu với MU (cười).
Tháng 5 tới, SEA Games 31 sẽ chính thức khởi tranh. Giang có thể chia sẻ về kế hoạch chuẩn bị của bạn cho kỳ đại hội lần này không?
SEA Games 31 cũng không còn xa nữa. Hiện tại, đội tuyển đang gấp rút chuẩn bị cho các kế hoạch cuối: một là sẽ đi tập huấn nước ngoài, nếu không thì đội cũng sẽ tham dự các giải Men’s Future gần Việt Nam để có thể cọ xát với các tay vợt nước ngoài cũng như làm quen với lối đánh của những tay vợt chuyên nghiệp.
Quần vợt Việt Nam đã có kỳ SEA Games 30 rất thành công khi giải cơn khát vàng ở đấu trường khu vực trong thời gian dài. Ở nội dung đơn nam, Lý Hoàng Nam đã giành HCV, còn HCB cũng thuộc về tay vợt Việt kiều Daniel Nguyễn. Với thành tích đó, chắc chắn quần vợt
Việt Nam sẽ đặt những mục tiêu rất cao ở SEA Games 31 trên sân nhà. Liệu Giang cùng với các đồng đội có cảm thấy áp lực không?
Áp lực cũng có, nhưng sự phấn khích và niềm vui khi được thi đấu trên sân nhà sẽ nhiều hơn. Giang và đồng đội cũng đã từng thi đấu ở Việt Nam rất nhiều. Thế nên lần này, khi SEA Games được tổ chức ở trung tâm quần vợt lớn nhất Việt Nam hiện tại, Giang mong sẽ nhận được sự ủng hộ hết mình từ khán giả.
Với những nhiệm vụ được giao, Giang hay bất kỳ vận động viên nào tham dự SEA Games lần này cũng sẽ đều chiến đấu hết mình để giành được thành tích cao nhất, qua đó đem về những tấm huy chương vàng cho quần vợt Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.
Cảm ơn Linh Giang đã dành thời gian cùng Thethao.vn. Chúc anh và ĐT tennis Việt Nam thi đấu thành công tại Sea Games 31!