--> --> --> -->
iThethao.vn - Trang tin Thể Thao hàng đầu Việt Nam

Bấm "Xem ngay" để mở và xem video bóng đá!


Gửi bài back-to-top
Esports Liên minh huyền thoại

Khi T1 tạo ra tiêu chuẩn mới về khái niệm 'đồng đội' trong LMHT

Thứ hai, 18/04/2022 17:30 (GMT+7)

Không chỉ đơn thuần là chức vô địch LCK mùa Xuân 2022, T1 còn mang tới cho khán giả lẫn người hâm mộ nhiều cung bậc cảm xúc và thậm chí là cách vận hành với sự ăn ý tuyệt đối của 5 thành viên.

“Liên Minh Huyền Thoại là trò chơi đồng đội”. Đó là điều chúng ta đã nghe quá nhiều và cảm thấy khá bình thường, dù là từ những game thủ hay những tuyển thủ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ngay cả ở cấp độ chuyên nghiệp, thực sự không có nhiều đội tuyển thể hiện lối chơi “đồng đội” đến mức gần như hoàn hảo giống như những gì T1 đã làm.

Nếu nhìn vào từng cá nhân của T1 ở giải mùa Xuân 2022, chẳng ai thực sự hoàn hảo. Tuy nhiên, họ khắc phục sai lầm cá nhân thông qua lối chơi đồng đội, qua đó giúp cho đội nhà đạt thành tích 20-0 vô tiền khoáng hậu. T1 đã thể hiện lối chơi đồng đội theo đúng nghĩa đen. Vậy câu hỏi đặt ra rằng đoàn quân HLV Polt đã làm điều đó thế nào?

Khi T1 tạo ra tiêu chuẩn mới về khái niệm 'đồng đội' trong LMHT - Ảnh 1
T1 đã giành chức vô địch tuyệt đối ở giải mùa Xuân 2022

Khi hầu hết các đội LCK bắt đầu xây dựng bộ khung mới cho mùa giải 2022, T1 lựa chọn phương án củng cố và phát huy những gì mình có được từ mùa giải 2021. Hầu hết các tuyển thủ T1 (trừ Zeus) đều đã cọ xát ở chung kết LCK và CKTG 2021. Và từ đó, họ trở nên mạnh mẽ hơn sau những thất bại trước Damwon KIA.

Xét về lối chơi tập thể, T1 ở đẳng cấp khác so với phần còn lại của LCK. Dù chỉ là khoảng cách vô cùng nhỏ, T1 vẫn biết cách “lăn cầu tuyết” để vượt lên dẫn trước. Dù đối thủ có kỹ năng tốt ra sao, T1 chỉ đơn giản là biến những đội tuyển ấy trông tệ hơn. Bởi lẽ, khi 1 tuyển thủ của đối phương không có cùng góc nhìn với 4 thành viên còn lại, T1 sẽ ngay lập tức trừng phạt sai lầm.

Ví dụ điển hình là ở ván 1 trận chung kết LCK mùa Xuân 2022. Gen.G Esports không rõ ràng trong việc ăn Sứ Giả Khe Nứt hay giao tranh tổng với T1. Đó là lý do T1 từ bỏ mục tiêu lớn để tiến hành 5 đấu 5 với đối thủ. Điều tương tự diễn ra ở tình huống tranh chấp Baron ở giai đoạn cuối. Giờ đây, hãy lấy một ví dụ khác ở ván 3 trận bán kết 1 gặp Kwangdong Freecs.

Phút 25, Kwangdong Freecs hạ Lee Sin của Oner và Kennen của Zeus trước khi ăn Rồng. Mất rồng là một chuyện, chuyện tệ hơn là Kwangdong Freecs có khả năng tiến ra Baron. Nếu là bất kỳ đội nào khác, có thể họ sẽ rút lui khi mất đi đường trên. Tuy nhiên, T1 đã nghĩ về phương án duy nhất để giúp mình xoay chuyển tình thế.

Faker (Vex) cùng Gumayusi (Jinx) vẫn còn hiện diện trên bản đồ, đồng nghĩa với việc T1 cần bắt ít nhất 1 người của đối phương để có khả năng thắng trong tình huống 3 đấu 5. Cuối cùng, Nautilus của Keria kéo thành công Xayah trong tay Teddy và kế hoạch của Kwangdong Freecs đã phá sản. Những tình huống như vậy chỉ xảy ra khi các tuyển thủ có được sự nhất quán.

Sự nhất quán cũng liên quan đến áp lực ở 2 cánh. Ở trận bán kết gặp Damwon KIA, khả năng di chuyển ở 2 cánh của Chovy đã giúp Gen.G Esports lật ngược thế cờ dù bị dẫn trước về lượng vàng. Chovy luôn biết làm thế nào để tạo ra áp lực ở 2 cánh, dù cho phải rơi vào những tình huống 1 đấu 2. Tuy nhiên, T1 còn làm điều đó khéo léo hơn.

Khi T1 tạo ra tiêu chuẩn mới về khái niệm 'đồng đội' trong LMHT - Ảnh 3
Faker cùng các đồng đội tỏ ra vô cùng gắn kết và ăn ý trong từng pha di chuyển

Trở lại với ván 1 trận chung kết. Phút 19, Faker (Ryze) đã có thể sống sót khi bị Ruler (Ezreal) và (Ornn) tấn công ở đường dưới. T1 nhận ra rằng Gen.G Esports dồn tài nguyên xuống đường dưới và họ lập tức đáp trả ở đường trên bằng cách săn đuổi Chovy (Viktor). Việc hạ gục Chovy có lẽ là do cả 5 tuyển thủ T1 biết chính xác mình phải làm gì khi Faker di chuyển xuống đường dưới.

Rất nhiều tuyển thủ tại LCK được đánh giá cao về kỹ năng cá nhân, điển hình là Canyon và Chovy. Khả năng gồng gánh của họ tốt đến nỗi có thể giúp đội nhà thắng bất kỳ đội LCK nào, qua đó giúp đội tuyển của mình tiến vào bán kết hoặc thậm chí là chung kết. Tuy nhiên, chừng ấy là không đủ để đánh bại 1 đội sở hữu 5 thành viên có góc nhìn giống nhau.

Một đội tuyển giỏi đưa ra quyết định trong tích tắc không có nghĩa là mọi thứ đều suôn sẻ. Dù vậy, T1 là đội tuyển biết cách thiết lập những tình huống có lợi cho mình. Vẫn là trận gặp Kwangdong Freecs, Oner là cái tên thường xuyên thực hiện những pha can thiệp sớm. Điều đó luôn giúp cho nửa trên bản đồ của T1 chiếm thế thượng phong.

Zeus thường tìm cách trao đổi chiêu thức để hạ gục hoặc chí ít là lấy đi những công cụ có khả năng tẩu thoát của đối thủ. Trong quá khứ, Kiin thường rất khôn ngoan khi chống đỡ các pha băng trụ, ngay cả khi bị 3 người của đối phương vây quanh. Tuy nhiên, T1 đã tìm ra chìa khoá để khiến Kiin không thể tạo ra quá nhiều ảnh hưởng.

Hay ở ván 2 trận chung kết, người hâm mộ sẽ bất ngờ khi thấy Nautilus của Keria đối đầu với một Akali đang sở hữu tiền thưởng 500 vàng trên người của Doran (phút 30). Cộng hưởng với sự cơ động của Akali, thật khó để những kỹ năng định hướng có thể phát huy tác dụng. Cuối cùng, Keria vẫn kéo thành công Doran trước khi Gumayusi ăn mạng với cú Tên Lửa Đạn Đạo Siêu Khủng Khiếp.

Khi T1 tạo ra tiêu chuẩn mới về khái niệm 'đồng đội' trong LMHT - Ảnh 2
Gumayusi là mẫu xạ thủ có khả năng tạo đột biến cao

Tình huống tương tự diễn ra ở ván 3, nơi Keria sử dụng Thiêu Đốt một cách kỳ lạ lên người Chovy (LeBlanc). Ngay sau đó, Gumayusi tiếp tục có được điểm hạ gục nhờ chiêu cuối của Jinx. Keria nhìn thấy trước được tình huống sẽ diễn ra thế nào nên mới Thiêu Đốt lên người Chovy. Đây chính là cách T1 “lăn cầu tuyết” nhanh hơn khi liên tục tạo áp lực và có được những điểm hạ gục đơn lẻ.

T1 đặt ra mục tiêu rất cụ thể và thiết lập một cách ấn tượng. Điều đó luôn mang lại lợi thế cho một đội tuyển trong những trận đấu lớn. Cũng rất khó để bạn đoán định được một đội tuyển sở hữu lối chơi như vậy. Ở cấp độ cơ bản của LMHT, T1 tỏ ra vượt trội vì gần như tập thể này tỏ ra rất “tự nhiên” với diễn biến của mỗi ván đấu.

Có những ý kiến cho rằng, sở dĩ T1 đạt thành tích 20-0 là do các đội tuyển khác tại LCK yếu đi. Vì thế, MSI 2022 diễn ra trên đất Hàn Quốc sẽ là cơ hội để T1 khẳng định tài năng và sức mạnh của mình. Và cuối cùng, câu hỏi đặt ra rằng liệu 2022 có phải là năm để T1 đòi lại vị thế của đội tuyển số 1 thế giới như trước?

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá