--> --> --> -->
iThethao.vn - Trang tin Thể Thao hàng đầu Việt Nam

Bấm "Xem ngay" để mở và xem video bóng đá!


Gửi bài back-to-top
Esports Liên minh huyền thoại

Faker: 'Tôi nghĩ mình ở tuổi 30 sẽ không khác gì nhiều với tuổi 20'

Thứ tư, 08/06/2022 11:01 (GMT+7)

Ở trong ngành công nghiệp Esports, có một câu nói rất nổi tiếng: “Đời game thủ chuyên nghiệp ngắn lắm”. Nếu nhìn vào thực tế hiện nay, đa phần các tuyển thủ đang thi đấu đều ở độ tuổi 1x hay 2x. Điều này đúng với tất cả các tựa game Esports hiện tại.

Cách đây không lâu, có một tin tức được đưa ra khiến chúng ta ngỡ ngàng. Huyền thoại bóng đá Zlatan Ibrahimovic đã bước sang tuổi 41, và ông vẫn đang thi đấu năng nổ. Thậm chí, ông còn cùng đội lên ngôi vô địch, và sự đóng góp của ông vào chiến thắng chung là không hề nhỏ. Cụm từ “lão làng” có lẽ là cách chính xác nhất để miêu tả cầu thủ này. 

'Gừng càng già càng cay' của ngành Esports - Ảnh 5
Tiền đạo 41 tuổi người Thụy Điển vẫn đang cống hiến hết mình cho sự nghiệp trên sân cỏ cùng trái bóng tròn

Câu chuyện “lão làng” trong giới Esports

Mọi người đều biết rằng cụm từ “lão làng” được dùng để nói về những cầu thủ kỳ cựu trong giới thể thao. Đây không chỉ là những người tuổi cao mà chưa giải nghệ, mà họ còn là đóng vai trò trung tâm của cả đội trong các trận đấu.

Do đó, một tuyển thủ “lão làng” điển hình chính là Ibrahimovic. Ông có màn chào sân đầu tiên vào năm 1999, và cho tới bây giờ vẫn là một trong những trụ cột quan trọng. Không chỉ là việc tiếp tục chạy trên sân cỏ, ông còn cho thấy được kỹ năng đáng tự hào của mình. Trong mùa giải 2019-2020, ông sở hữu 10 bàn thắng sau 18 trận đấu, con số này vào mùa giải 2020-2021 là 15 bàn thắng cho 19 trận. Trong mùa giải năm nay, mặc dù không thể ghi nhiều bàn thắng tới vậy, nhưng “lão làng” này có 8 bàn thắng cho 23 trận đấu. Dẫu liên tục bị chấn thương, ông vẫn mang về rất nhiều bàn thắng cho đội mình.

Nếu quan sát nền thể thao Hàn Quốc, chúng ta cũng tìm thấy nhiều “lão làng” như vậy. Trong ký ức của nhiều người vẫn luôn tồn tại cái tên Kim Byung Ji, mặc dù ông đã nghỉ hưu. Trước khi giải nghệ ở tuổi 46, ông là người đã thi đấu tới 24 kỳ K-League ở vị trí thủ môn. Trong bóng chày, chúng ta có huyền thoại Lee Seung Yeob, người đã có 12 năm hoạt động trước khi giải nghệ ở tuổi 42. Hay trong bóng rổ, đó là cái tên Yang Dong Geun, người đã thi đấu tới 13 mùa giải trước khi giã từ sự nghiệp thi đấu ở tuổi 40. Bên cạnh những cái tên kể trên, rất khó để liệt kê toàn bộ những tuyển thủ kỳ cựu trong làng thể thao.

'Gừng càng già càng cay' của ngành Esports - Ảnh 3
Kim Byung Ji cống hiến cho khán giả Hàn Quốc cho tới tận năm 45 tuổi

Điểm chung của những người này, đó là họ luôn duy trì một phong độ ổn định trong suốt sự nghiệp, cho tới trước khi họ giải nghệ. Ngay cả khi phong độ đi xuống, họ vẫn chơi rất tròn vai, và đôi khi là hơn cả thế. Điều quan trọng mà “lão làng” nào cũng phải làm đó là tự quản lý và chăm sóc cơ thể của mình. Đặc biệt là khi bạn đạt đến độ tuổi 30 hay 40, bạn cần phải giữ cho trạng thái sức khỏe vật lý hay kỹ năng của mình không thua kém gì so với lớp trẻ. 

Ví dụ, cầu thủ Kim Byung Ji nổi tiếng với việc tự quản lý sức khỏe bản thân, tới nỗi ông có thể duy trì cân nặng của mình không thay đổi trong suốt sự nghiệp. Tuyển thủ Lee Seung Yeob cũng vậy, ông được cho là thường xuyên điều chỉnh tư thế và quản lý bản thân rất chặt chẽ nhằm đánh bóng tốt hơn ở mỗi kỳ đánh giá. Còn về Zlatan Ibrahimovic, đã có video trên mạng xã hội nói về các hoạt động quản lý cơ thể của ông. Theo đó, ông treo ngược mình trên bao cát để luyện tập nhóm cơ trên. Video đó đã phần nào lý giải vì sao ông có thể tiếp tục duy trì sự nghiệp của mình ở tuổi ngoài 40.

'Gừng càng già càng cay' của ngành Esports - Ảnh 7
Video Ibrahicmovic luyện tập từng gây "bão" trên MXH hồi tháng 2 vừa qua

Đời game thủ có lẽ chẳng ngắn tới vậy

Ngược lại, trong ngành công nghiệp Esports thì chẳng có mấy người được coi là lão làng. Bởi lẽ, Esports vốn là một ngành mà tuổi thọ VĐV thường ngắn, đa phần tuyển thủ chỉ có thể tỏa sáng trong độ tuổi 1x hay 2x. Những người ở ngoài độ tuổi này thì đa phần đều giải nghệ cả. Một điều chắc chắn là tuổi đời tuyển thủ của Esports chuyên nghiệp vô cùng ngắn.

Bởi, trong các môn thể thao, thì Esports là nơi mà mọi khả năng phán đoán trong thời gian ngắn, hay tốc độ phản ứng khác nhau dù chỉ mức độ nhỏ nhất cũng có thể tạo nên sự khác biệt lớn. Có lẽ, đây là cũng là cội nguồn dẫn đến việc các tuyển thủ khi ở cuối độ tuổi 2x bắt đầu suy nghĩ đến việc giải nghệ. Ở tuổi đó, việc phán đoán hay phản ứng nhanh trở nên khó khăn hơn so với thế hệ các tuyển thủ trẻ.

Trên thực tế, ngay cả trong các cuộc phỏng vấn hay cuộc sống thường ngày với tuyển thủ Esports, thì việc phán đoán chính xác và nhanh hơn 0,1 giây cũng đã tạo nên sự khác biệt. Việc chọn vị trí và căn chỉnh thời điểm sử dụng kĩ năng quyết định phần lớn thắng thua của các tựa game AOS. Còn về phía các tựa game FPS, việc đặt tâm chính xác là thứ tạo nên đẳng cấp của một tuyển thủ. Thế nên, điều quan trọng nhất của một tuyển thủ Esports vẫn là trạng thái vật lý của cơ thể. Thực ra với 1 tuyển thủ thì kỹ năng và sức khỏe vật lý không hề tương đương nhau, mà sức khỏe vật lý có vai trò cao hơn hẳn.

'Gừng càng già càng cay' của ngành Esports - Ảnh 8
Tuyển thủ Esports cũng cần duy trì sức khỏe vật lý bên cạnh những kỹ năng cần thiết

Tuy nhiên, trong thể thao truyền thống thì khả năng phán đoán và tốc độ phản ứng cũng là yếu tố quan trọng. Dù không chắc đây là 2 yếu tố quan trọng nhất, nhưng chắc chắn không thể bỏ qua chúng nếu muốn đi tới thành công.

Hãy cùng lấy vị trí thủ môn ra làm ví dụ. Phẩm chất quan trọng nhất của một thủ môn là khả năng quan sát vị trí của tiền đạo đối phương và quả bóng ở thời điểm hiện tại để ngăn cản bàn thắng, cùng phản xạ đổ người nhanh chóng để cản bóng. Trong Esports, các tuyển thủ cũng cần có những phẩm chất tương tự.

Dẫu vậy, vẫn có nhiều thủ môn được xếp vào hàng lão làng. Dù sao thì theo những nghiên cứu đi trước, thủ môn thường đạt được đỉnh cao phong độ vào độ tuổi 30. Mặc dù chúng ta phải công nhận rằng vì thủ môn sử dụng ít năng lượng hơn trong một trận đấu so với các vị trí khác, nên họ có thể chơi tốt ngay cả khi đã lớn tuổi. Nhưng ở tuổi 40, việc có thể duy trì khả năng phán đoán và tốc độ phản ứng nhanh như vậy cũng là điều vô cùng khó khăn. 

Tổng kết lại, thể thao truyền thống cũng yêu cầu những năng lực phán đoán và tốc độ phản ứng nhanh như Esports. Tuy nhiên, những tuyển thủ lão làng lại đa phần được tìm thấy ở các môn thể thao truyền thống. Tất nhiên là, những lão làng này cũng có thể dần bị bỏ xa bởi những tân binh tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và xuất sắc về mặt kỹ năng, nhưng sự chênh lệch về khả năng cạnh tranh và đối đầu thì khó có thể xuất hiện. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào sự nỗ lực, tự quản lý bản thân và hoạt động huấn luyện hàng ngày của từng tuyển thủ. 

'Gừng càng già càng cay' của ngành Esports - Ảnh 9
Cánh cửa cho tuyển thủ "già" không bao giờ đóng lại nếu họ biết cách duy trì trạng thái bản thân

Mặc dù Esports cũng có nhiều lão làng, nhưng…

Hiển nhiên là, không phải không có lão làng nào trong ngành Esports. Tuy nhiên, con số này lại rất khiêm tốn so với thể thao truyền thông. Một sự thật đáng buồn là đa phần các tuyển thủ đều lựa chọn giải nghệ sau khi đi qua độ tuổi 20 đỉnh cao của mình.

Điều này có vẻ đang dần được cải thiện trong những năm gần đây. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Lee “Faker” Sang Hyeok đã chia sẻ những quan điểm của mình về việc đời game thủ ngắn hay dài. Anh nói: “Tôi nghĩ việc chơi game khiến sức khỏe vật lý và não bộ lão hóa chậm hơn. Vậy nên, tôi nghĩ rằng nửa đầu của tuổi 30 chẳng khác gì mấy so với nửa đầu tuổi 20 cả”. Với anh, tuổi thọ của sự nghiệp tuyển thủ Esports chuyên nghiệp không ngắn như lời người ta vẫn nói.

'Gừng càng già càng cay' của ngành Esports - Ảnh 1
Faker cho rằng những năm 30 tuổi của anh sẽ không có nhiều sự khác biệt với bản thân ở tuổi 20

Nếu quan sát trong làng Esports LMHT Hàn Quốc, chúng ta vẫn luôn thấy bóng dáng đầy mạnh mẽ của những vị lão làng. Trong 11 đội tuyển đại diện cho 11 khu vực mạnh nhất thế giới tham dự MSI 2022 năm nay, có rất nhiều tuyển thủ đã đến độ tuổi được xếp vào lão làng: T1 Faker, PSG Talon Kaiwing, DFM Evi, G2 Jankos, EG Imfact. Mặc dù đã đi qua độ tuổi 20 đầy hưng thịnh, họ vẫn tiếp tục góp mặt tại đấu trường LMHT hàng đầu thế giới MSI 2022.

'Gừng càng già càng cay' của ngành Esports - Ảnh 4
Impact vẫn là một trong những tuyển thủ xuất sắc nhất thế giới khi đã chuẩn bị bước sang độ tuổi 30

Điểm chung của tất cả những cái tên kể trên là họ đều là “mũi nhọn” hoặc đóng một vai trò tương đương trong đội. Vì đã ra mắt khá lâu, phần lớn họ đều đã đi lên đỉnh của khu vực. Đồng thời, việc huấn luyện không ngừng nghỉ cũng giúp bản thân họ duy trì những yếu tố cần thiết để bước tiếp trong sự nghiệp.

Bên cạnh các tuyển thủ LMHT chuyên nghiệp, Hàn Quốc vẫn còn nhiều lão làng ở những bộ môn Esports khác: Ở Kartrider, Lee Eun Taek và Kang Seok In vẫn đang duy trì sự nghiệp tuyển thủ của mình dù đã tròn 32 tuổi, Yoo Young Hyuk và Kim Seung Tae sinh năm 1996 và 1997 cũng đang miệt mài thi đấu. Ở Rainbow Six, chúng ta có tuyển thủ sinh năm 1992 Kim Seong Soo thuộc đội tuyển Liiv SANDBOX. Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều bộ môn khác chứng kiến sự sản sinh ra những lão làng trong sự nghiệp game thủ mỗi năm.

Hành trình game thủ chuyên nghiệp vẫn tiếp tục ở tuổi 30

Để viết tiếp những trang sử của nền thể thao truyền thống thì luôn cần sự xuất hiện của những gương mặt mới. Vậy nên, tất cả các đội tuyển đều cố gắng đầu tư, chăm sóc và tái cấu trúc hệ thống để hỗ trợ sự phát triển của thế hệ trẻ. Nếu không có một thế hệ trẻ tốt, đội tuyển sẽ chẳng thể tồn tại thêm được mấy năm nữa. Điều này cũng đúng với Esports.

Hơn nữa, điều tuyệt vời là Esports đang dần có nhiều lão làng hơn so với ngày xưa. Những vị lão làng này là tấm gương tuyệt vời nếu họ có thể cho lớp tuyển thủ trẻ thấy mình có thể chơi tốt đến mức nào. Giờ đây, mọi thứ đang thay đổi theo hướng tích cực khi mọi người không còn giữ trong đầu quan điểm cũ: “Ở nửa sau của tuổi 20, tôi nên dần nghĩ đến việc giải nghệ”.

Đồng thời, điều này mang đến những góc nhìn tích cực cho các vị phụ huynh có con em theo đuổi con đường này. Những nỗi lo lắng về việc con mình sẽ chỉ có thể duy trì sự nghiệp đến tuổi 25 cũng sẽ dần biến mất. Bởi lẽ, rất khó để con cái có được sự ủng hộ của bố mẹ khi quyết định theo đuổi con đường Esports chuyên nghiệp.

Nếu những tuyển thủ Esports lớn tuổi cũng quản lý sức khỏe bản thân và huấn luyện một cách tử tế như những gì VĐV thể thao truyền thông làm, việc tiếp tục thi đấu dù đã qua tuổi 30 là hoàn toàn có thể. Từ đó, độ tuổi được gọi là lão làng trong ngành Esports sẽ dịch chuyển từ nửa cuối tuổi 20 sang độ tuổi mới già hơn mỗi ngày.

'Gừng càng già càng cay' của ngành Esports - Ảnh 2
Faker là một hình mẫu hoàn hảo cho những tuyển thủ chuyên nghiệp tiếp tục thành công dù đã có nhiều năm trong nghề

Giờ đây, nhờ việc có thể tiếp tục thi đấu với phong độ cao, kỹ năng tốt cùng khả năng duy trì độ “bền” thể lực ở tuổi 30, những vị lão làng trong ngành Esports đang dần nhận được nhiều sự công nhận và tôn trọng hơn bởi cộng đồng. Có lẽ giờ đây, giới chuyên môn, khán giả hay chính các tuyển thủ Esports chuyên nghiệp sẽ đều phải thay đổi dần quan điểm nổi tiếng tồn tại từ xưa: “Đời game thủ chuyên nghiệp ngắn lắm”.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá