--> --> --> -->
iThethao.vn - Trang tin Thể Thao hàng đầu Việt Nam

Bấm "Xem ngay" để mở và xem video bóng đá!


Gửi bài back-to-top
Bóng đá Bóng đá Việt Nam Đội tuyển Việt Nam

ĐT Việt Nam thất bại vì ‘độc chiêu’ của những đại gia châu Á

Thứ tư, 13/10/2021 02:50 (GMT+7)

Thầy trò HLV Park Hang Seo dường như không có sự chuẩn bị kỹ trước những ‘bài độc’ của Australia, Oman, Trung Quốc ở vòng loại World Cup.

-->

Chủ Đề: ĐT Việt Nam tại Vòng loại World Cup 2022

Những chiến binh sao vàng đã kết thúc 2 trận đấu thuộc lượt trận thứ 3 và thứ 4 của vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á với những kết quả thất vọng. Không chỉ để thua trước Trung Quốc với tỷ số 2-3, chúng ta cũng thất bại trước Oman với tỷ số 1-3. Đây là những kết quả có thể dự đoán trước, nhưng để lại cho chúng ta nhiều nuối tiếc.

Ở cả 2 trận đấu ấy, ĐT Việt Nam không thực sự lép vế trước đối phương. Chúng ta đã có những giây phút thực sự quật khởi ở trên sân và nắm cho mình ít nhất là 1 điểm, nhưng rồi, những bàn thua vẫn tới với thầy trò HLV Park Hang Seo.

ĐT Việt Nam thất bại vì ‘độc chiêu’ của những đại gia châu Á - Ảnh 1
ĐT Việt Nam để thua từ pha phạt góc 'quái dị' của Oman -  Ảnh: OFA

Ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á, những chiến binh sao vàng từng là đội bóng nhận ít bàn thua nhất giải. Sau 6 vòng đấu đầu tiên, chúng ta chỉ để lọt lưới 1 bàn. Đến lượt trận thứ 7, ĐT Việt Nam mới lọt lưới bàn thứ 2. Chính sự ổn định tới xuất sắc của hàng thủ được xây dựng bởi HLV Park Hang Seo đã giúp chúng ta lần đầu lọt vào vòng loại cuối cùng ở một kỳ World Cup.

Thế nhưng, chỉ sau 4 trận đấu đầu tiên ở giải đấu khắc nghiệt nhất châu Á, ĐT Việt Nam đã để thua tới 10 bàn. Có tới 3 trận Quế Ngọc Hải và các đồng đội để thua tới 3 lần. Đoàn quân của HLV họ Park chính là đội đang có hàng phòng ngự yếu nhất của vòng loại thứ 3, khi xếp sau cả Trung Quốc (9 bàn thua) hay Syria (7 bàn). Hình ảnh những chiến binh sao vàng ‘vững như bàn thạch’ ở AFF Cup 2018, ASIAD 2018 hay thậm chí là Asian Cup 2019 đã không còn nữa.

Đẳng cấp và ‘độc chiêu’ của những đại gia châu Á

Có một thực tế khó có thể phủ nhận là ĐT Việt Nam bị đánh giá yếu nhất bảng B. Chúng ta tới giải với tư cách là hạt giống cuối cùng và do đó, mỗi trận đấu là một thử thách lớn.

ĐT Việt Nam thất bại vì ‘độc chiêu’ của những đại gia châu Á - Ảnh 2
Vũ Lỗi ghi 2 bàn từ những quả tạt của Vương Sân Siêu - Ảnh: Getty

Saudi Arabia, Nhật Bản và Australia là những đội bóng thường xuyên đại diện cho châu Á tham dự những kỳ World Cup gần đây. Trung Quốc cũng là khách quen của vòng loại cuối cùng, và cũng từng tham dự World Cup diễn ra cách đây 19 năm. Còn Oman trước giải là một ẩn số nhưng cũng gây được rất nhiều khó khăn trước đội cùng bảng vòng loại là nhà vô địch châu Á Qatar.

Ở những đội tuyển đó, mọi kỹ năng cơ bản nhất của bóng đá họ đều vượt trội so với cầu thủ Việt Nam. Những điều quan trọng nhất như thể lực, kỹ thuật và ý thức chiến thuật, nhóm cầu thủ này dường như hơn chúng ta một bậc. Điều đó thể hiện rõ nhất ở những cuộc đối đầu tay đôi ở trên sân (ĐT Việt Nam có số lần thắng trong những cuộc đối đầu tay đôi ít hơn cả 4 đối thủ này khi gặp mặt trực tiếp).

Tuy nhiên, bóng đá Saudi Arabia hay Australia không chỉ hơn chúng ta ở những điều tưởng chừng như đơn giản như vậy. Ngay cả sự chuẩn bị cho những trận đánh lớn, họ đều có những bước đi tốt nhất, dù đối thủ có bị đánh giá yếu hơn nhiều như ĐT Việt Nam.

Ở trận gặp Australia, những chiến binh sao vàng đã để thua trong một tình huống mà họ đã chuẩn bị rất kỹ. Một pha bóng tạt sớm từ cánh trái là điều mà các học trò của HLV Park Hang Seo đã không thể lường trước. Hậu vệ biên và cả trung vệ lệch trái đều bị động khi Rhyan Grant băng vào dễ dàng đánh bại Văn Lâm ở cự ly gần.

Tới trận gặp Trung Quốc, ta để thua 2 bàn từ cùng một kịch bản. Vương Sân Siêu, cầu thủ đá hậu vệ trái nhưng lại thuận chân phải, tung ra những quả tạt cuộn ngược ra để Vũ Lỗi, một tiền đạo có đẳng cấp cao di chuyển sau lưng hàng phòng ngự và ghi bàn. 

ĐT Việt Nam thất bại vì ‘độc chiêu’ của những đại gia châu Á - Ảnh 3
Cú đánh đầu của Grant khiến hàng thủ ĐT Việt Nam sững sờ - Ảnh: Getty

Và ở trận này khi gặp ĐT Oman, Văn Toản và các đồng đội đã phải nhận một bàn thua từ chấm đá phạt góc. 5 cầu thủ đối phương tràn vào vị trí của thủ môn để khiến cú đá phạt của Mohsin Jouhar đi thẳng vào lưới trong sự bất lực của toàn bộ những cầu thủ áo trắng.

Thực tế những gì diễn ra tại Muscat không chỉ có bàn thắng thứ hai là ‘đặc sản’ của Oman. Họ còn sở hữu lối triển khai bóng rất lạ mắt. Tiền vệ lệch trái Jameel Al Yahmadi dâng lên chơi như tiền đạo rồi bất ngờ giật xuống nhận bóng và đẩy ra cho hậu vệ cánh Ali Al Busaidi băng lên. Ngôi sao của họ, Salaah Al Yahyaei, hôm nay đá lệch phải để làm ‘chim mồi’. Với việc chỉ bố trí mình Tấn Tài ở vị trí này, ta hoàn toàn bị động trước những đường lên bóng của đối thủ.

Còn Saudi Arabia không để lộ quá nhiều bài vở ở trận đấu gặp ĐT Việt Nam. Nhưng khi gặp các đối thủ khác (như chính Oman), họ cũng có những phương án tấn công khiến tất cả phải ngỡ ngàng. Như chuyện tiền vệ cánh Fahad Al Muwallad băng lên như một tiền đạo để làm tường trước khi nhả bóng nhanh cho những cầu thủ còn lại dứt điểm là đủ để khiến tất cả các hậu vệ đối phương không kịp phản ứng.

ĐT Việt Nam thiếu sự chuẩn bị hay dưới tầm đẳng cấp?

Câu trả lời có lẽ là cả hai. HLV Park Hang Seo dường như không có cách nào hóa giải phương án đá phạt góc rất khác lạ của ĐT Oman, nhưng những tình huống khác, nó biểu hiện cho sự mạo hiểm về chiến thuật.

Trong những trận đấu gần nhất của mình, ông thầy người Hàn Quốc luôn sử dụng sơ đồ 5-4-1, và điều đó lý giải cho sự xuất hiện của Phan Văn Đức. Ông muốn có ít nhất 2 cầu thủ chịu trách nhiệm ở hành lang biên để ngăn chặn những pha xuyên phá của đối thủ và cả những đường tấn công có dấu chân của hậu vệ cánh.

ĐT Việt Nam thất bại vì ‘độc chiêu’ của những đại gia châu Á - Ảnh 4
Chúng ta thường xuyên thua trong những lần đối đầu tay đôi - Ảnh: VFF

Nhưng đối thủ đầu tiên của chúng ta, Saudi Arabia, lại là đội đánh trung lộ rất mạnh bằng những pha đi bóng và phối hợp ngắn. Tới đối thủ thứ 2 (Australia), ĐT Việt Nam thi đấu ấn tượng, nhưng lại thua ở một tình huống chuyển trạng thái quá nhanh của đối phương.

Ở trận gặp Trung Quốc, ông thành công trong việc hóa giải đối thủ trong hiệp 1. Nhưng sau khi chúng ta dâng cao ở hiệp 2 và chuyển sang sơ đồ 5-3-2 (Văn Toàn vào thay Phan Văn Đức phút 55), đã không còn ai có thể ngăn cản những đường tạt sớm của Vương Sân Siêu. Đến trận gặp Oman, vị chiến lược gia người Hàn Quốc dự đoán đối thủ sẽ ra sân với sơ đồ 4-3-1-2 quen thuộc và từ đó thay đổi việc phải có 2 cầu thủ chạy ở mỗi biên xuống còn 1 (để Phan Văn Đức dự bị, Quang Hải được đá tự do). Lúc này, Oman lại đá 4-4-2 và tấn công liên tục vào vị trí của Hồ Tuấn Tài.

Có thể thấy, ban huấn luyện của ĐT Việt Nam đã có những phương án chuẩn bị nhưng không thể chu toàn trước những ‘đòn hiểm’ của đối phương. Dường như HLV Park Hang Seo cũng phần nào nằm ở cửa dưới so với những Graham Arnold, Branko Ivankovic hay thậm chí là cả Lí Thiết. Ngoài ra, các cầu thủ của chúng ta cũng đã chạm tới giới hạn của sự chịu đựng. Liên tục để thua trong những tình huống đối đầu tay đôi sẽ dẫn tới những sai sót ở trên sân, đồng thời thể lực cũng không thể giúp chúng ta đá trọn 90 phút như những đối thủ. 4 quả penalty trong 4 trận đấu gần đây là minh chứng rõ ràng cho những sai số của hàng phòng ngự.

Những phân tích trên đây là để thấy, sân chơi vòng loại cuối World Cup 2022 dường như đang quá tầm so với ĐT Việt Nam và HLV Park Hang Seo. Nhưng những trận đấu này sẽ là kinh nghiệm đáng nhớ cho cả các cầu thủ và huấn luyện viên để chúng ta tự tin chinh phục những mục tiêu trong tương lai, mà gần nhất sẽ là AFF Cup 2021.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá