iThethao.vn - Trang tin Thể Thao hàng đầu Việt Nam

Đỗ Thị Ánh Nguyệt đến Olympic nhờ bỏ bóng, cầm cung

Thứ tư, 28/07/2021 10:25 (GMT+7)

Đỗ Thị Ánh Nguyệt chỉ mất 2 năm làm quen và tập luyện ở môn bắn cung để trở thành đại diện của Việt Nam tại Olympic Tokyo 2021. Trước đó cô từng nuôi mộng trở thành một cầu thủ bóng rổ.

Tự lập từ nhỏ

Một buổi chiều 2 năm trước, những người yêu thể thao Việt Nam bất ngờ nhận tin cung thủ trẻ Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã giành vé tới Olympic Tokyo 2021. Không chỉ vượt qua đồng đội, cô bé mới 18 tuổi khi ấy đã đánh bại rất nhiều vận động viên nước ngoài để sải chân bước đến Thế vận hội.

>>> Link xem trực tiếp Bắn cung Olympic Tokyo 2021 Ánh Nguyệt vs Ren Hayakawa, 10h19 ngày 28/7

Ánh Nguyệt không có một tuổi thơ êm đềm như bạn bè đồng trang lứa. Mẹ mất sớm, hai bố con phải vất vả trong một thời gian trước khi người cha quyết định đi bước nữa. Đó là khoảng thời gian cô gái nhỏ phải quán xuyến việc của người phụ nữ trong gia đình. Nhưng chính điều đó đã giúp Ánh Nguyệt sớm rèn luyện được ý chí và trưởng thành.

Đỗ Thị Ánh Nguyệt, người từng từ chối bắn cung và thành quả khó tin chỉ sau 2 năm tập luyện - Ảnh 1
Đỗ Thị Ánh Nguyệt xinh đẹp và tài giỏi - Ảnh FBNV

Cô gái quê Hưng Yên bén duyên với thể thao thành tích cao từ năm 15 tuổi. Ánh Nguyệt được tuyển chọn vào đội bóng rổ của thành phố Hà Nội. Gia đình cô nhất quyết muốn con học văn hóa, nhưng rồi với quyết tâm của bản thân, Ánh Nguyệt đã cố thuyết phục gia đình. Giao kèo bố dành cho Ánh Nguyệt là phải thi đỗ cấp ba và cô đã làm được.

Vừa chân ướt chân ráo đặt chân đến Thủ đô, Ánh Nguyệt choáng ngợp với những gì diễn ra ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao thành tích cao. Dù rất nhanh nhẹn và làm quen với bóng rổ từ trước, nhưng cường độ tập luyện lớn ở cấp độ cao khiến cơ thể cô nhức mỏi, ý chí giảm sút. Bản thân Ánh Nguyệt từng thừa nhận giai đoạn này cảm thấy rất mệt với những bài tập chống đẩy, chạy, tập tạ, trong khi không được thi đấu ngay.

Khổ luyện cuối cùng cũng thành tài. Ánh Nguyệt bắt đầu được trao cơ hội vào sân thi đấu và để lại dấu ấn. Dù vậy, đó cũng là lúc cô bé 15 tuổi được khai phá tiềm năng ở một môn thể thao khác. Tay của cô khỏe hơn các bạn bè cùng trang lứa, và chiều cao 165cm phù hợp với bắn cung hơn bóng rổ rất nhiều. Các HLV bóng rổ phát hiện ra điều này và đề xuất với HLV bắn cung sang để thử việc.

Đang muốn tập bóng rổ, tự nhiên lại bị thuyết phục chuyển sang bắn cung nên ban đầu Ánh Nguyệt không đồng ý. Mạnh mẽ và cá tính, cô bé thậm chí tự ý bắt xe khách bỏ về quê nhà. Các thầy của đoàn thể thao Hà Nội, gồm cả HLV bóng rổ và HLV bắn cung đã phải nhiều lần tới Hưng Yên để khuyên nhủ để Ánh Nguyệt. Phải đến lúc hết cơn giận, cô bé mới trở lại Trung tâm thử sức với môn thể thao mới.

Đỗ Thị Ánh Nguyệt, người từng từ chối bắn cung và thành quả khó tin chỉ sau 2 năm tập luyện - Ảnh 2
Đỗ Thị Ánh Nguyệt từng chỉ thích chơi bóng rổ - Ảnh FBNV

Từ ‘động’ về ‘tĩnh’

Những ngày đầu của Ánh Nguyệt với bắn cung thực sự gian nan. Từ một môn thể thao ‘động’ như bóng rổ, chuyển sang môn thể thao ‘tĩnh’ kiểu bắn cung thử thách ý chí rất nhiều. Vốn đã quen chạy nhảy, cô bé hiếu động ngày nào giờ đây chỉ được đứng một chỗ tập luyện những động tác bắn cung. Bên cạnh đó, những ngày đầu Ánh Nguyệt cũng không được bắn. Cô chỉ được phép cầm cung giơ lên rồi hạ xuống.

Bắn cung yêu cầu sự kiên trì và chăm chú, điều mà Nguyệt không thể rèn luyện khi chơi bóng rổ. Hơn nữa, nội dung cung 1 dây (cung không trợ lực) là một thách thức đối với bất cứ một vận động viên nào, bởi lực kéo phải đảm bảo xấp xỉ 20kg mới có thể đưa mũi tên xé gió bay đến bia mục tiêu. Chính vì thế mà trong vài tuần đầu, Ánh Nguyệt chỉ được tập với dây chun để tăng lực ở tay.

Để tay thuận kéo dây thì tay không thuận phải giữ cung cũng là một thử thách khi cây cung nặng tới 5kg. Tính cả lực kéo, cung nặng đến 17kg và VĐV chỉ được giữ bằng một tay. Trong cùng thời điểm đó, tay của vận động viên không được rung khi nhắm bắn. Ánh Nguyệt học tập nhanh hơn những người khác nhờ thể chất tốt nhưng điều đó không có nghĩa cô lơ là tập luyện. Từ kéo dây chun đến... tập tạ, lúc nào cô cũng hoàn thành giáo án.

Sau những bài tập thể lực, giơ cung, kéo cung thì mới đến phần tập bắn. Ánh Nguyệt phải tập luyện liên tục, không ngừng nghỉ đề làm quen. Bản thân cung thủ trẻ này từng bị dây cung dập vào tay làm tím da, để lại vết đau trong thời gian dài vì phải tập với cường độ 400 phát bắn mỗi ngày. Tuy nhiên, như thế vẫn còn may so với nhiều đồng đội khác bị toác da, chảy máu.

Đỗ Thị Ánh Nguyệt, người từng từ chối bắn cung và thành quả khó tin chỉ sau 2 năm tập luyện - Ảnh 3
Ánh Nguyệt là niềm hi vọng số 1 của bắn cung Việt Nam - Ảnh FBNV

Thời gian đầu, do còn ảnh hưởng của môn bóng rổ nên cô gái sinh năm 2001 thường xuyên để "súng cướp cò". Mũi tên của cung thủ trẻ hay đi chệch mục tiêu vì cô chưa kịp ngắm chuẩn đã vội "nhả đạn". Nhưng chỉ sau 1 năm dưới sự chỉ bảo của các HLV và đàn chị trong đội, Ánh Nguyệt đã tiến bộ thần tốc và được gọi vào đội tuyển quốc gia. 

Năm 2019, Trung tâm Thể thao Hà Nội đã đầu tư lớn vào các vận động viên trọng điểm. Trong đó, bộ môn bắn cung tiến cử Đỗ Thị Ánh Nguyệt và một số trụ cột khác đi tập huấn tại Hàn Quốc, đất nước thống trị bộ môn bắn cung. Tại đây họ ăn ở, tập luyện cùng những cung thủ số một thế giới. Đó cũng là bước ngoặt để Nguyệt thi đấu tốt hơn ở các giải cuối năm 2019.

Thành công đến với Ánh Nguyệt và đội tuyển bắn cung Việt Nam khi đạt thành tích tốt ở cúp châu Á 2019, rồi sau đó là HCV bắn cung 1 dây đồng đội nữ ở SEA Games 30. Đó là những phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của Ánh Nguyệt. Cô thừa nhận để đạt được điều đó cần không ít may mắn, nhưng khổ luyện là điều không thể phủ nhận.

Tại Olympic Tokyo 2021, cô gái trẻ nhất đoàn thể thao Việt Nam sẽ là người khai màn khi ra quân ngày 23/7. Vạn sự khởi đầu nan, nghiệp cầm cung của Ánh Nguyệt sẽ còn rất nhiều khó khăn ở phía trước, như những tượng đài bắn cung cô sắp đối đầu ở Thế vận hội. Chỉ có một ý chí sắt đá, tinh thần mãnh liệt mới giúp thiếu nữ tuổi đôi mươi này tiếp tục tiến về phía trước như những mũi tên cô bắn ra.

Xem lại bóng đá |  Keonhacai tv |  bongda tv