Bomman: 'Valorant ở Việt Nam có tiềm năng và lợi thế lớn hơn CSGO'
Thứ năm, 03/06/2021 13:40 (GMT+7)
Mai Nam Hải, hay còn gọi là Bomman, đã làm nên tên tuổi với bộ môn thể thao điện tử CSGO (Counter-Strike: Global Offensive), từ vị trí tuyển thủ bán chuyên, giành Top 8 châu Á đến chuyển sang làm caster.
Nhìn lại chặng đường dài trong sự nghiệp của mình, Bomman đã kể về những thăng trầm khi theo đuổi CSGO, mối lương duyên cùng 500Bros Studio và cả quyết định Nam tiến với Valorant. Ở đó, Bomman khẳng định việc các tuyển thủ chuyên nghiệp của CSGO đang chuyển sang Valorant là điều bình thường vì không ai chơi vì đam mê mãi được.
- Xin chào Bomman. Anh có thể tự giới thiệu về bản thân mình cho các độc giả của Thethao.vn?
Xin chào các bạn độc giả của Thethao.vn, mình là Bomman và hiện tại mình là streamer của 500Bros Media.
- Anh có suy nghĩ gì khi được coi là đại diện của CSGO Việt Nam?
Thực ra, nói là đại diện thì không đúng, vì mình chỉ là một người đam mê CSGO. Có rất nhiều anh em đam mê, nhiệt huyết như mình, cũng có rất nhiều anh em bắt đầu chơi cùng thời điểm với mình và giờ họ vẫn còn gắn bó với bộ môn này.
Mình đang có một vài người anh em đang gắn bó với thể thao điện tử chuyên nghiệp. Anh em ở 500 Bros cũng là những người có cùng xuất phát điểm với nhau, cùng gắn bó đi lên chỉ là hướng đi của mỗi người khác nhau thôi. Nên từ “đại diện” hơi to với mình. Có thể mình chỉ được coi là một người nhiệt huyết và hết mình với cộng đồng CSGO trong những năm vừa qua mà thôi.
Người ta biết đến mình chủ yếu qua bộ môn CSGO. Những năm qua mình cũng dành tâm huyết lớn nhất cho nó. Trong 2018 trở đi, mình cũng chuyển sang bình luận PUBG nhưng không có tố chất chơi tựa game này lắm, nên mình cũng ít chơi hơn mà tập chung vào nghiên cứu, phân tích nhiều hơn. Bây giờ, mình cũng có nghiên cứu và thử nghiệm khá nhiều tựa game Valorant. Nhưng điều đó không có nghĩa là mình dừng lại với CSGO, mình sẽ chơi song song cả hai tựa game.
- Vì sao anh lại chọn CSGO là môn Esports để theo đuổi? Con đường của anh với CSGO đã diễn ra thế nào?
Lúc mình mới chơi chưa thực sự có định nghĩa rõ ràng về Esports. Nó là một cái gì đó rất xa vời, hão huyền. Ngày xưa đơn giản mình chỉ là chơi game thôi. Trước mình có bắn CS1.1, sau đó là CS1.6. Khi mà CS1.6 hết thời mình chuyển sang CSGO và cảm thấy đây là một tựa game rất hấp dẫn nên bọn mình cố gắng cùng nhau, lập đội để bắn giải. Khi mà cố gắng rất nhiều mình cũng nhận ra tố chất của mình chỉ dừng lại ở semi-pro (bán chuyên) thôi, nên mình quyết định tìm con đường khác, chuyển hướng sang làm streamer và caster.
- Thành tích tốt nhất trong sự nghiệp tuyển thủ CSGO của anh là gì?
Nếu nói thành tích trong nước thì mình đã vô địch 3-4 lần giải semi-pro ở Việt Nam. Còn ở châu Á thì đội mình đã vượt qua vòng loại châu Á. Mình nhớ vòng loại châu Á diễn ra căng thẳng trong 2 tuần, bắn từ sáng đến tối. Dù đó chỉ là giải online thôi nhưng cũng rất vinh dự khi vào được Top 8. Đấy là một trong những thành tích tốt nhất của mình.
- Sự phát triển của CSGO Việt Nam kể từ thời điểm anh tham gia đến bây giờ là thế nào?
Vấn đề bán độ thì mình không rõ và mình cũng chỉ đọc trên mạng như mọi người thôi. Còn vấn đề thực sự của CSGO Việt Nam thì các pro-player đang chuyển sang Valorant rất nhiều, nên giờ chỉ còn các đội trẻ và cũng rất ít. Hiện tại, so với Thái Lan, chúng ta bị thua kém rất nhiều, trong 2 năm trở lại đây. Ở khu vực SEA thì chúng ta cũng khó có thể cạnh tranh, chứ đừng nói đến tầm cỡ châu Á.
Ngay cả những đội mạnh của Thái Lan cũng không so sánh được với các cường quốc như kiểu Mông Cổ hay Trung Quốc. Nói chung, hệ thống giải đấu rất khó dành cho các đội tuyển châu Á. Hơn nữa, trình độ của các đội châu Á bị chênh lệch quá xa so với châu Âu và Bắc Mỹ. Do vậy, việc nhiều game thủ CSGO chuyển sang Valorant cũng là điều hợp lý thôi. Họ cũng phải nghĩ đến cuộc sống, tương lai của mình nhiều hơn.
Không ai chơi vì đam mê mãi được. Chơi vì đam mê 1-2 năm chứ làm gì có ai chơi vì đam mê 5 năm, không cần tiền mà vẫn sống được. Điều đó rất là vô lý.
- Vì sao anh từ bỏ sự nghiệp tuyển thủ để chuyển sang Caster?
Có một thời điểm mình phát hiện ra các giải đấu của Việt Nam có rất nhiều, có những giải đấu ở quán net thì xuất hiện liên tục nhưng stream của mình đang rất yếu. Chưa kể streamer chưa có, nếu có thì chỉ là những người có thời gian rảnh thì làm thôi.
Trong khi đó, mình là một người đi cùng cộng đồng lâu rồi, cũng xem giải rất nhiều, biết nhiều mặt của câu chuyện cộng đồng Esports nên rất đáng tiếc nếu mình không làm. Mình quyết định làm caster vì Việt Nam không có nên mình thử làm xem sao. Sau đó, nó cũng trở thành đam mê của mình khi được bình luận, có người xem, cùng nhau thảo luận và phân tích.
- Hành trình của anh với 500Bros Studio từ ngày đầu tiên tới bây giờ đã diễn ra thế nào?
Hành trình của 500Bros Studio nó cũng rất nghiệp dư. Ban đầu từ một quán net cỏ có tên Dũng Béo. Anh Dũng hiện tại làm CEO, trước đây làm quản lý của tiện net. Còn mình làm đội trưởng quản lý của đội net đó. Xong có một người em nữa là Hưng, làm kỹ thuật viên và Tùng TT làm khách quen của quán. 4 anh em trước đây làm những giải cỏ của quán.
Ngày đấy Hưng là người nghĩ ra cái tên 500 anh em vì “500 anh em” ngày đó đang là hot trend. Còn giai đoạn bắt đầu lên chơi chuyên nghiệp là thời điểm bằng giờ của 4 năm trước. Hôm trước Facebook vừa nhắc lại cho mình kỷ niệm. Đó là lần đầu tiên mình vào Sài Gòn, lần đầu tiên làm một giải rất chuyên nghiệp có tên SamSung CSGO. Lúc đấy mình còn làm lập trình nên anh Dũng cũng có khuyên mình lựa chọn một trong 2 việc chứ không thể làm đồng thời hai việc cùng lúc.
Mình cũng suy nghĩ rằng mình không thực sự đam mê lập trình, mà cũng đang thích làm Esports dù chưa biết tương lai của ngành này ra sao. Sau đó, mình có dừng việc lập trình lại và dứt khoát theo đuổi Esports. Mình tự gia hạn cho bản thân nếu làm 6 tháng – 1 năm mà không thu lại kết quả thì mình sẽ nghỉ và quay ngược lại làm lập trình.
- Bomman là người gắn bó với 500Bros từ ngày đầu thành lập. Theo anh, điều gì đã giúp 500Bros trở thành studio số một về Esports ở Việt Nam lúc này?
Điều quan trọng nhất chắc chắn là sự đoàn kết. Như mọi người có nhìn thấy đội ngũ của 500Bros từ ngày xưa đến giờ vẫn gần như còn nguyên: anh Dũng, Ben Thỏ, Ben10. Đến giờ mọi người vẫn rất nhiệt huyết và vui vẻ.
Thứ hai là đến giờ mọi người vẫn trách nhiệm rất cao trong những công việc của bản thân. Mình ở bên caster, cũng có thời gian cảm giác rất “khô máu” để đưa các anh em ở tuyến sau lên, để tạo điều kiện tốt nhất để anh em phát triển. Cố gắng theo sát mọi người để chỉ ra những điểm nào tốt, điểm nào còn hạn chế. Anh Dũng cũng luôn luôn theo sát mọi người, rất nhiệt huyết. Ben10 cũng thế. Mọi người rất quý nhau và đoàn kết.
Những người chính từ đầu vẫn đang còn và đảm nhiệm nhưng vị trí quan trọng. Các bạn hình dung trục dọc vẫn đang còn và đảm nhiệm những vị trí chính luôn luôn quan trọng. Con đường chúng mình đi là con đường dài vì vậy lực lượng phải đủ mạnh, đủ đông. Một người không thể đi xa được mà đi xa được cần nhiều người. Đó là điều quan trọng nhất của 500Bros.
- Và bây giờ anh cùng các cộng sự đang chuyển hướng sang Valorant. Theo anh, Valorant có sự khác biệt thế nào so với các môn bắn súng khác?
Valorant là tự game ra đời sau nên có lợi thế gần như hội tụ các lợi thế của các bộ môn bắn súng khác. Nó có sự kết hợp của Overwatch, CSGO. Cảm giác như tất cả các game thủ đã chơi được FPS thì đều có thể chơi được Valorant. Mình cảm thấy Valorant trông có vẻ phức tạp nhưng thực tế lại đơn giản nếu so với CSGO.
Ví dụ, mình bắn ở hệ thống rank, hạng Diamond vẫn khá đơn giản. Những rank cao hơn thì các player mới thể hiện sự hack não. Đây vẫn là game giúp các bạn có thể phô diễn những kỹ năng, nếu các bạn bắn thực sự ổn định thì có thể chinh chiến ở các rank cao hơn.
- Khi chuyển hướng sang bộ môn mới như Valorant, anh đã gặp phải những khó khăn gì?
Đây là khó khăn lớn với mình. Mình chuyển hướng khi đã 29 tuổi. Đây là thời điểm học cái mới rất khó và mình vẫn thích giữ cái cũ hơn. Mình cảm giác đang sử dụng những cái cũ quen rồi nên lười thay đổi. Nên khi tựa game Valorant ra không khác gì là một trang sách mới , mình lại học lại từ đầu trong khi mình vẫn phải ngồi livestream CSGO đều đặn nhưng lại phải học, nghiên cứu và chơi Valorant.
Có những khoảng thời gian mình off livestream CSGO lúc 2h sáng và sau đó lại tiếp tục chơi Valorant đến sáng luôn. Cả thêm thời gian xem giải, mình vừa phải xem giải Valorant, vừa xem CSGO cùng một lúc nên nhiều khi cảm thấy quá tải, nhất là ở độ tuổi của mình. Đó là bước ngoặt. CSGO là nơi đưa mình lên, là cộng đồng, anh em nên sẽ không có chuyện mình bỏ CSGO. Mình sẽ cố gắng duy trì CSGO và học tập, nghiên cứu Valorant.
- Quá trình chuẩn bị cho giải đấu chính thức đầu tiên của Valorant ở Việt Nam đã diễn ra thế nào?
Quá trình chuẩn bị này chưa thực sự chuẩn bị được nhiều. Đợt vừa rồi mình cũng có những công việc riêng, việc di chuyển tham gia sự . Nhưng rất may mình đã có sự chuẩn bị trong khoảng thời gian trước đấy rồi, chuẩn bị khoảng nửa năm nên kiến thức cũng tạm ổn. Những giải đấu rất hay gần đây ở khu vực Bắc Mỹ mình cũng hay xem vào buổi đêm. Đợt này mình cũng bay nhiều, nên những lúc trước khi lên máy bay mình cũng tranh thủ ngồi xem. Minh nghĩ rằng kiến thức của mình hiện tại đã tạm ổn rồi nhưng mình vẫn muốn tốt hơn nữa. Điều này cần thời gian.
- Anh có thể chia sẻ về lộ trình phát triển Valorant ở Việt Nam được chứ? Anh có kỳ vọng gì về bộ môn này?
Lộ trình phát triển Valorant Việt Nam rất giống với những khu vực khác vì dựa trên một lộ trình chung của Riot, chúng ta không có quá nhiều sự lựa chọn. Nhưng nhìn chung lộ trình khá chuyên nghiệp.
Đầu tiên, chúng ta sẽ có vòng loại quốc gia. Ở giải này chúng ta sẽ có hai suất là nhất và nhì để tiếp tục tranh tài ở vòng loại SEA. Nếu thắng ở vòng loại SEA chúng ta có thể đi bắn thế giới rồi và cuối năm sẽ có chung kết thế giới.
Mình thấy rằng lộ trình phát triển rất chuyên nghiệp, nhất là mức tiền thưởng hấp dẫn. 530 triệu đồng tiền thưởng – đây là con số rất khủng khiếp. Mình làm giải CSGO rất nhiều, giải CSGO từ 3 triệu đã có rất nhiều người thi đấu, đến giải 20 triệu số lương người thi đấu sẽ lớn hơn. Giải 50 triệu là giải cực to. Tuy nhiên con số 530 triệu đồng ở giải Valorant là con số rất lớn, và ở các giải bắn súng FPS ở Việt Nam thì đây còn là con số kỷ lục.
Mình kỳ vọng Valorant sẽ trở thành quốc game, có thể hy vọng nó giống như Đột kích hay PUBG. Đây là những tựa game có số lượng người theo dõi lớn ở Việt Nam. Mỗi game đều có vấn đề của riêng nó. Còn Valorant có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành hiện tượng trong làng Esports sắp tới. Có thể thấy, gần đây có rất ít những tựa game Esports dành cho PC, Valorant sẽ sớm trở thành niềm hy vọng trong những năm sắp tới.
- Cơ hội của Valorant ở Việt Nam là thế nào? Môn nào sẽ là đối thủ chính cạnh tranh với Valorant?
Valorant có cơ hội phát triển khá tốt ở Việt Nam khi không phải cạnh tranh quá nhiều với những tự game khác. Và các tựa game khác không còn quá thu hút ở Việt Nam.
Thêm nữa, Valorant cũng có một nhà phát hành khá mạnh là VNG. Cái thứ ba là Valorant có những nhân vật mà người Việt Nam khá thích giống như Yasuo của Liên Minh là Jett, Raze với những tình huống tạo highlights khá đẹp mắt, có dao, có phi tiêu, headshot… Chắc chắn đấy là những yếu tố nổi bật và người Việt Nam mình thì rất thích những yếu tố đó. Nếu có bước khởi đầu tốt thì đây có thể là một tựa game người Việt Nam đón nhận rất dễ dàng.
- Việc chuyển hướng sang Valorant có phải là lý do anh chuyển vào Sài Gòn?
Mình theo đuổi Esports chuyên nghiệp chính xác được 4 năm từ khi nghỉ hẳn công việc lập trình. Còn thời điểm mình chơi game cho đến bây giờ đã làm 8 năm rồi. Có một khoảng thời gian khó khăn mình không bao giờ quên. Khó khăn đến từ một từ duy nhất thôi đó là tiền. Lương không đủ sống, không đủ để trả tiền nhà, tiền ăn. Lúc đấy mình cũng suy nghĩ, nếu tháng sau tiếp tục thế này thì thực sự mình về quê, mình phải nghỉ thôi. Mình nhớ hồi đấy mình đi vay 500 nghìn – 1 triệu, vay chỉ để sống thôi. Đấy là khoảng thời gian mới làm chuyên nghiệp được khoảng hơn nửa năm.
Lần đầu tiên kiếm được tiền là năm 2014, lúc đấy mình vô địch giải semi và được 3 triệu cho cả đội. Chia ra cho 5 người mỗi người được 600 nghìn. Và lúc đấy bọn mình đi ăn luôn một bữa, hết sạch tiền thưởng của cả một giải đấu.
Việc chuyển vào Sài Gòn là một thử thách mới. Mỗi khi mình thay đổi đó lại là một thử thách, nhất là ở độ tuổi của mình. Không phải ngẫu nhiên minh thay đổi, chắc chắn sẽ có lý do. Đầu tiên là việc 500Bros Nam tiến, đấy là yếu tố rất quan trọng quyết định việc mình vào. Hai là mình có một cô bạn gái ở Sài Gòn. Ba là, tựa game mình đang hướng đến là Valorant của nhà phát hành VNG và có khả năng rất cao sẽ được sản xuấ rất nhiều trong Sài Gòn. Đây cũng là định hướng trong tương lai của mình.
- Công việc hiện tại của anh có đi đúng hướng?
Mọi thứ hiện giờ đang khá ổn. Tháng đầu tiên mình khá vất vả vì mấy khoảng thời gian khá dài vận chuyển máy móc mọi thứ, làm lại phòng stream. Mình phải bay hơi nhiều, nhưng cơ bản mọi thứ ổn. Các chỉ số ở Facebook, Youtube đang theo đúng hướng. Valorant trong tương lai có thể sẽ được sản xuất trong Sài Gòn nhiều nhưng hiện giờ nó vẫn được sản xuất ở Hà Nội nên giờ mình phải bay hơi nhiều.
Nhưng chắc chỉ trong tháng sau thôi, hoặc tháng sau nữa Valorant sẽ được làm ở Sài Gòn rất nhiều. Hiện giờ Tốc Chiến đang được sản xuất trong này rồi. Và một khoảng thời gian nữa có thể 500Bros Sài Gòn sẽ chạy 2 tựa game chủ lực là Tốc Chiến và Valorant.
- Cơ hội mới của anh bây giờ là gì?
Trước đây mình làm CSGO rất lâu. Ở châu Á, CSGO rất yếu và cơ hội để một đội CSGO Việt Nam đi bắn quốc tế không nhiều. Mọi thứ đang hơi “no hope”, không có hy vọng gì, nhưng đó là sự thật.
Ở Valorant, rõ ràng ta một nhà phát hành sau lưng, có suất thi đấu rõ ràng. Nên các đội Valorant ở Việt Nam đang có tiềm năng và lợi thế lớn hơn CSGO. Cơ hội của chúng ta đang rất rõ ràng. Mình cũng rất mong một đội nào đó của Việt Nam sẽ thi đấu quốc tế và mình được cầm mic bình luận trận đấu đó.
- Con người anh đã thay đổi thế nào sau những năm tháng theo đuổi Esports?
Ngày xưa mình cục súc hơn, trẻ trâu hơn, nhiệt tình hơn, máu lửa hơn. Còn bây giờ thì điềm tĩnh hơn, vẫn gắt, vẫn cố gắng nhưng sẽ có chừng mực hơn. Sẽ có những cái bớt đi, sẽ có những cái tăng lên. Được cái này thì mất cái kia mà. Nhưng giờ mình kiểm soát bản thân tốt hơn. Mình xem lại những khoảnh khắc của ngày xưa chính mình còn thấy buồn cười vì ngày xưa cục thế.
- Cuối cùng, Esports có phải là cầu nối chuyện tình yêu cho anh?
Đó là một cái duyên, mọi thứ đều vô tình. Ai cũng bất ngờ, chính những người trong cuộc như bọn tôi cũng bất ngờ mà.
- Cảm ơn Bomman về cuộc trò chuyện!