Bomman: 'Tôi muốn được bình luận cho đội Việt Nam ở CKTG VALORANT'
Thứ ba, 31/05/2022 15:35 (GMT+7)
Tối 29/5, BLV nổi tiếng của cộng đồng FPS Việt Nam - Bomman (Mai Nam Hải) đã có mặt và cổ vũ cho trận chung kết của giải đấu VCT Challengers Vietnam Stage 2 tại Vikings Hà Nội. Trong cuộc phỏng vấn cùng Thethao.vn, anh đã có nhiều chia sẻ chân thành về câu chuyện của anh với các tựa game FPS ở Việt Nam.
Theo chia sẻ cùng Thethao.vn, có nhiều lý do khiến Bomman tiếp cận tựa game mới là VALORANT bên cạnh tựa game gắn bó lâu đời với tên tuổi của 500Bros Studio là CS:GO. Đồng thời, anh cũng tiết lộ về điều mà bản thân mình hối tiếc vì chưa thể thực hiện được trong những tháng năm theo đuổi sự nghiệp Esports của mình.
Trước đây, anh nổi tiếng với tựa game FPS khác là CS:GO. Vậy đâu là lý do khiến anh tiếp cận tựa game mới VALORANT?
Lựa chọn của mình đến từ việc mình cảm thấy rằng VALORANT là một tựa game có lộ trình và tương lai rõ ràng hơn so với CS:GO. Trước đó, CS:GO là tựa game mà mình đã làm rất lâu năm rồi, nhưng nó lại không có nhà phát hành ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, nó có rất nhiều yếu tố khác khiến mình phải cân nhắc. Đầu tiên là cộng đồng châu Á hiện tại rất yếu. Mình cảm giác như CS:GO bây giờ ở châu Á không có một chút sức mạnh nào. Điều này một phần có lẽ cũng do Valve không quan tâm tới thị trường ở đây. Nếu để ý thì bạn sẽ thấy một giải đấu quốc tế của tựa game này sẽ quy tụ 24 đội trên thế giới, nhưng cả châu Á chỉ có vỏn vẹn 2 suất tham dự mà thôi. Trong khi đó, con số này ở châu Âu là 16 và Bắc Mỹ là 6. Khu vực châu Á gần như bị bỏ quên hoàn toàn. Mặc dù 500Bros studio chúng mình đã xây dựng và phát triển cộng đồng ở Việt Nam được nhiều năm rồi, nhưng thực sự con game này đang có quá nhiều vấn đề khó khăn.
Hiện tại thì mọi người vẫn đam mê, nhưng VALORANT có cơ hội và lộ trình chính thống, rõ ràng hơn. Đây là một tựa game có nhà phát hành tại Việt Nam là VNG. Mọi người sẽ có cơ hội được tham dự các sự kiện hay giải đấu OnLan (trực tiếp), mà không cần phải lo lắng các vấn đề nhạy cảm trong làng Esports hiện tại như giấy phép.
Trong năm 2022, anh và 500Bros Studio có những kế hoạch, dự định gì liên quan tới VALORANT?
Nói thật thì kế hoạch cho tựa game VALORANT thì 500Bros không phải là người được lựa chọn. Tất cả các kế hoạch sẽ đều được đưa ra từ phía nhà phát hành VNG. Về phía 500Bros, đội ngũ sẽ luôn cố gắng để cải thiện chất lượng về mặt nhân sự cho các khâu vận hành và tổ chức. Ví dụ như các bình luận viên sẽ cố gắng để nâng cao chuyên môn, hoặc như trong giải đấu lần này thì bộ phận hình ảnh có sử dụng công nghệ tạm gọi là 4K. Chúng mình sẽ cố gắng để mang đến những giải đấu xịn hơn, với nhiều phát triển về mặt công nghệ.
Cá nhân mình trong năm nay cũng phải học hỏi thêm nhiều điều. Cái mình muốn làm nhất trong năm 2022 là nâng cao kiến thức của những người xem stream của mình. Cụ thể, có những kiến thức rất căn bản, dễ áp dụng và hiệu quả để có thể leo rank cao hơn. Hiện giờ mọi người đang xem những video highlight Tik Tok khoảng 20 giây nhiều quá, nhưng những cái đó không thể nào được áp dụng trong việc leo xếp hạng. Còn mình có thể chỉ cho mọi người nhiều kiến thức rất hay trong những video cũng ngắn như vậy, chỉ khoảng 30 giây tới 1 phút thôi. Đặc biệt, đó đều là những kiến thức đơn giản và hiệu quả để mọi người áp dụng trong game.
Đối với cá nhân anh, giải đấu VCT Challengers Vietnam Stage 2 lần này có ý nghĩa như thế nào?
Với mình, đây là một tiền đề quan trọng cho VALORANT. Từ giải đấu lần này, VALORANT sẽ có những tư liệu như video, hình ảnh, các nguồn tài nguyên để đưa vào hồ sơ của tựa game. Sau này VALORANT Việt Nam sẽ có thể sử dụng hồ sơ đó để thu hút thêm các đơn vị tài trợ lớn cho các hoạt động Esports.
Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để nghĩ về việc giải đấu sau, chúng ta sẽ có một sân khấu to và rực rỡ hơn. Thay vì tổ chức ở một cyber như hiện nay, chúng ta có thể sẽ có một không gian rộng rãi với sân khấu lớn, cùng 2 dàn máy thi đấu ở trên. Các tuyển thủ sẽ được thi đấu với sự cổ vũ của khán giả ở bên dưới. Đó là điều mình nghĩ chúng ta có thể hướng đến.
Sự kiện này cũng đồng thời có ý nghĩa to lớn với ekip thực hiện chương trình. Bởi khi giải đấu được tổ chức OnLan, ban tổ chức sẽ cảm nhận được một cách rõ ràng là họ đang làm một cái gì đó, tạo ra một giải đấu với rất nhiều kỷ niệm. Cả tuyển thủ, khán giả và ekip đều mong muốn có những kỷ niệm đó. Nó còn để lại nhiều cảm xúc, một thứ rất quan trọng trong lòng mọi người.
Ở giải đấu lần này, mình đoán các đội họ cũng không muốn thua cuộc trên sân khấu như thế này. Nếu thua ở giải đấu online, mình thua thì thôi, anh em đi ăn giải tỏa không khí. Nhưng ở đây thì khác, mình thua thì phải nghe đội bạn gáy, nghe khán giả gáy, nó là một thứ rất khó chịu. Tuy nhiên, đây là một nguồn động lực lớn cho các đội sẩy chân có thể luyện tập chăm chỉ cho một màn trình diễn hoàn hảo hơn ở giải đấu sau.
Đã rất lâu rồi cộng đồng FPS mới có một dịp gặp gỡ trực tiếp như ngày hôm nay. Cá nhân anh cảm thấy không khí tại VCT Challengers Vietnam Stage 2 có đúng với những gì anh mong đợi hay không?
Với cá nhân mình thì đúng. Thực ra ngày xưa, mình đã từng làm một vài sự kiện trực tiếp cho tựa game CS:GO, tuy nhiên không có nhiều. Đa phần những sự kiện OnLan lớn mình làm đều nằm ở tựa game PUBG PC, bởi từng có một giai đoạn tựa game này phát triển rất mạnh. Ở thời điểm hiện tại, không khí ở đây đúng với những gì mình tưởng tượng trước khi đến.
Tuy nhiên, có một cái mình không ngờ tới là việc sắp xếp tổ chức chỗ ngồi của ekip lại chuyên nghiệp như vậy. Mình tưởng rằng tất cả sẽ ngồi chung hết với nhau. Nhưng khi đến đây thì mình thấy người hâm mộ đội nào sẽ ngồi ở bên đó, ủng hộ và cổ vũ cho đội tuyển yêu thích của mình. Điều này rất thú vị, bởi đây là một nét văn hóa cực hay mà chúng ta cần phải phát triển đối với cộng đồng FPS. Mọi thứ sẽ rõ ràng và có tổ chức, chứ không bị loạn lên hay lộn xộn.
Cá nhân anh có mong muốn gì cho cộng đồng VALORANT Việt Nam trong năm 2022?
Mình không có mong muốn gì quá xa xôi, chỉ mong Việt Nam mình có 1 đội bắn tốt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mình chỉ cần 1 đội vào được vòng play-off hay Top 4 thôi là thỏa mãn rồi. Thực ra ở thời điểm hiện tại, VALORANT ở Việt Nam vẫn còn yếu thế hơn so với các quốc gia khác như Thái Lan, Indonesia hay Philippines, Singapore. Rất khó để chúng ta có thể hy vọng việc lấy suất tham dự Chung Kết Thế Giới, nên cá nhân mình chỉ hy vọng chúng ta có mặt trong Top 4 mà thôi.
Cuối cùng, trong suốt sự nghiệp làm Esports cho các tựa game FPS của mình, anh có điều gì mà bản thân tiếc nuối vì chưa thể làm được không?
Có lẽ đó là việc được bình luận cho các đội Việt Nam thi đấu tại CKTG. Từ hồi bắt đầu làm CS:GO là mình đã mong muốn làm điều đó rồi, nhưng vẫn chưa có cơ hội. VALORANT ở thời điểm hiện tại thì mình cũng rất mong muốn điều tương tự, nhưng có vẻ là vẫn rất khó.
Mình cảm giác là mình có thể làm được rất nhiều thứ, nhưng những yếu tố đó thì lại đều nằm ngoài tầm tay của mình cả. Mình rất mong muốn được bình luận cho các đội Việt Nam đi thi đấu ở sân khấu quốc tế. Tựa game duy nhất mà mình từng được làm điều đó là PUBG PC, ở thời điểm đỉnh cao của PUBG PC Việt Nam.
Từ ngày VALORANT phát triển hơn ở Việt Nam, mình chưa có cơ hội tham dự nhiều vào các hoạt động bình luận, bởi mình dần chuyển hướng sang stream. Chỉ có những trận đấu quan trọng thì mình mới tham gia bình luận. Hiện tại thì mình mới chỉ có thể góp mặt ở những trận đấu ở giải Việt Nam, chưa có các giải đấu quốc tế. Bởi vì ở các giải đó thì đội tuyển Việt Nam bị loại hơi nhanh (cười).